Phát triển doanh nghiệp: Số lượng phải đi đôi với chất lượng

22:11 - 29/12/2019

(TTV) - Năm 2019, Thanh Hóa thành lập được 3.200 doanh nghiệp mới, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2017 đến nay lên gần 10.000 doanh nghiệp và tiếp tục là địa phương đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. Theo đánh giá, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa tăng nhanh, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, nhìn chung, công tác phát triển doanh nghiệp của tỉnh về số lượng chưa thực sự đi kèm với chất lượng.

 

Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu về phát triển doanh nghiệp. Các chỉ tiêu về tổng vốn đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ và số lao động trong các doanh nghiệp thành lập mới đều tăng. Cùng với số doanh nghiệp thành lập mới, có 914 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 73% so với cùng kỳ, đưa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 15.500 doanh nghiệp, đạt 42 doanh nghiệp đang hoạt động/1 vạn dân.

Tuy nhiên, năm 2019, có tới trên 1.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng là rất lớn nhưng đóng góp cho nền kinh tế chưa nhiều. Nguyên nhân là do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô nguồn vốn hạn chế, nhiều doanh nghiệp thiếu kỹ năng quản trị, điều hành; chưa thích ứng được với môi trường sản xuất, kinh doanh mới,…Do vậy, cần có chính sách phù hợp trong phát triển doanh nghiệp.

Cùng quan điểm phát triển số lượng là cần thiết, từ đó mới chọn lọc được những doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt để đứng vững trên thương trường, đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa cho rằng: Ngoài các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp, chương trình đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân của Thanh Hóa đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực. Chương trình này nếu được duy trì thực hiện tốt sẽ góp phần phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng doanh nghiệp.

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2020 có 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Với hơn 95.000 hộ kinh doanh, trong đó có nhiều hộ kinh doanh có đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp, Thanh Hóa có dư địa để phát triển doanh nghiệp còn rất lớn. Song để thực hiện mục tiêu này, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới cần được rà soát, đánh giá và triển khai một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp thành lập mới cũng cần chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả.

Theo thời sự tối ngày 29.12/TTV