Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

08:33 - 24/01/2021

(TTV) - Xác định Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) có ý nghĩa đặc biệt và là giải pháp quan trọng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hơn 3 năm qua (2018 – 2020), các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều giải pháp để phất triển các sản phẩm OCOP.

 

2 sản phẩm chiếu cói thủ công và thảm trải sàn của công ty TNHH Ngân Khương ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn đã tăng số lượng tiêu thụ lên gấp đôi và đủ điều kiện để xuất khẩu sang Mỹ
2 sản phẩm chiếu cói thủ công và thảm trải sàn của công ty TNHH Ngân Khương ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn đã tăng số lượng tiêu thụ lên gấp đôi và đủ điều kiện để xuất khẩu sang Mỹ

Công ty TNHH Ngân Khương ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn là một trong những công ty đầu tiên có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hoá. Được hỗ trợ 57 triệu đồng từ chương trình OCOP, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND huyện Nga Sơn và sự quyết tâm của các thành viên, từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, 2 sản phẩm chiếu cói thủ công và thảm trải sàn của công ty đã tăng số lượng tiêu thụ lên gấp đôi và đủ điều kiện để xuất khẩu sang Mỹ. Mỗi năm công ty tiêu thụ hơn 5 triệu sản phẩm, đạt doanh thu từ 700 đến 1 tỷ đồng/năm. Thành công trong xây dựng sản phẩm OCOP của công ty đã góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, nâng cao thu nhập và hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

Xác định xây dựng sản phẩm OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương của Thanh Hóa đã tập trung thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh các cơ chế, chính sách của tỉnh, 1 số địa phương đã có cơ chế, chính sách riêng để thực hiện chương trình OCOP. Ví dụ huyện Triệu Sơn hỗ trợ từ 50 đến 200 triệu đồng cho việc phát triển một ản phẩm OCOP để mở rộng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị máy móc. Huyện Hoằng Hoá, Nga Sơn, Đông Sơn, Nông Cống hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng nhà lưới, nhà màng với mức hỗ trợ 35-70 triệu đồng/100m2. Huyện Thọ Xuân hỗ trợ kinh phí in tem nhãn, bao bì, đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm với mức hỗ trợ 100 triệu đồng một sản phẩm. Đến nay Thanh Hóa đã có 59 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 39 chủ thể OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 43 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Đặc biệt sản phẩm nước mắm Lê Gia, Hoằng Hoá đã được công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Thanh Hóa được xếp thứ 10 trong cả nước về số lượng đạt chuẩn sản phẩm OCOP.

Nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá cùng các ngành, địa phương đã tổ chức cho các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, xây dựng 5 điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại thành phố Thanh Hóa và huyện Nga Sơn. Sản phẩm OCOP đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa đi vào chiều sâu. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng những kết quả đạt được, giai đoạn 2020 - 2025, Thanh Hóa phấn đấu có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 100 sản phẩm OCOP từ 3- 4 sao và có 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Thanh Hường – Xuân Tuấn – Minh Quang

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới/TTV