Phát triển tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn

07:51 - 11/07/2019

(TTV) - Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung khôi phục các ngành nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tình trạng ly hương đi làm ăn xa.

 

Huyện Nông Cống là một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng là làng làm nón lá ở xã Trường Giang và các làng nghề mây – tre đan. Để khôi phục, phát triển các làng nghề, huyện đã khuyến khích thành lập các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, đồng thời hỗ trợ xúc tiến thị trường tiêu thụ, đào tạo nghề, kết nối với các doanh nghiệp… Bên cạnh đó, huyện Nông Cống còn chú trọng du nhập thêm nhiều nghề mới để giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hiện toàn huyện có 29 trong tổng số 32 xã có nghề mới du nhập, tạo việc làm thường xuyên cho gần 3000 lao động.

Để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, những năm qua, tỉnh đã thực hiện quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, khôi phục làng nghề truyền thống, nhân cấy ngành nghề mới và hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Từ đó, các địa phương cũng đã tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ các cơ sở mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại để  sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và tăng doanh thu. Đặc biệt, việc triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới đã mở ra cơ hội lớn cho các địa phương phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 60 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là hợp tác xã,tổ hợp tác và hộ cá thể, giải quyết việc làm cho gần 90 nghìn lao động nông thôn; giá trị sản xuất đạt gần 14 nghìn nghìn tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 20 % giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã và đang góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương.

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới/TTV