Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11

Ngày 22/11, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 của UBND tỉnh, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024; thảo luận một số nội dung sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVIII. Dự phiên họp có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Uỷ viên UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Tỉnh Thanh Hoá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức với diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Song với sự đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực, cố gắng cao, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển. Sản xuất nông nghiệp ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,87%. Tổng lượng khách du lịch tăng 11,9%, tổng thu du lịch tăng 20,9%. Thu ngân sách nhà nước vượt 7,6% so với dự toán được giao. Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thanh Hoá là tỉnh thứ tư của cả nước được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Các chỉ số về cải cách hành chính, quản trị hành chính công của tỉnh đạt kết quả tích cực; ứng dụng công nghệ thông trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt; Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 của tỉnh còn những khó khăn, hạn chế trong phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế (như một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh dự kiến không đạt kế hoạch, như tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư phát triển…). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là khu vực miền núi. Xúc tiến đầu tư chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, các dự án công nghệ cao, hiện đại. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn so với bình quân chung cả nước, song vẫn còn thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ. Một số vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực văn hóa, xã hội còn chậm được tháo gỡ…

Phiên họp thường kỳ UBND  tỉnh tháng 11- Ảnh 1.

Các đại biểu đã phân tích, chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trong đó nhấn mạnh những nguyên nhân chủ quan, như công tác dự báo, nắm bắt tình hình, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành, địa phương, đơn vị còn hạn chế, chưa chủ động giải quyết, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phức tạp phát sinh ở ngành, địa phương, đơn vị. Công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương, đơn vị trong giải quyết khó khăn, vướng mắc có lúc, có việc còn lúng túng, chưa quyết liệt. Nhiều chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao trong công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023. Nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều bất cập trong thể chế đã được tham mưu tháo gỡ kịp thời, hiệu quả; tạo điều kiện rất quan trọng cho các ngành, các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của tỉnh Thanh Hoá.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân tích, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện; đồng thời nhấn mạnh: thời gian của năm 2023 không còn nhiều, chúng ta phải phấn đấu đến những ngày cuối cùng của năm để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm, nhất là những chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách nhà nước.

Về định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: đây là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Tình hình kinh tế thế giới, trong nước và trong tỉnh được dự báo sẽ có những tín hiệu chuyển biến tích cực; song khó khăn, thách thức vẫn là rất lớn. Do vậy, các ngành, các địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; tiếp tục chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc thực hiện các giải pháp tổ chức, điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; trong đó, quan tâm duy trì và đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Phiên họp thường kỳ UBND  tỉnh tháng 11- Ảnh 2.

Trong chương trình phiên họp, các thành viên UBND tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 do tỉnh quản lý - đợt 5; Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 cho nhiệm vụ quy hoạch - đợt 3; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2022 của HĐND tỉnh quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình về việc điều chỉnh danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2022, năm 2023 nguồn ngân sách Trung ương của một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; và một số nội dung quan trọng khác.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 22/11/2023