Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị

19:43 - 18/05/2022

(TTV) - Sáng ngày 18/5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

 

Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; đại biểu Quốc hội chuyên trách; lãnh đạo các ban, sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh.

Hội nghị được truyền trực tuyến đến 832 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với hơn 47.000 đại biểu tham dự; đồng thời được truyền thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PT–TH Thanh Hóa để đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân theo dõi.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã quán triệt, triển khai những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 06 tới các đại biểu. Theo đó, nghị quyết khẳng định, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao... Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

Bộ Chính trị nhận định, đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Nghị quyết 06 đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.

Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06, Bộ Chính trị yêu cầu, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết tới cán bộ, đảng viên; xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các chỉ tiêu nêu trong nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện...

Để thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ chính trị trên địa bàn tỉnh, ngày 30/3/2022, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 57, trong đó đề ra mục tiêu tổng quát là: đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững, có kiến trúc hiện đại, xanh, giầu bản sắc văn hóa xứ Thanh; hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực, thông minh, kết nối với hệ thống đô thị quốc gia và khu vực; đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị. Tỉnh Thanh Hóa cũng đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu là: tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 40% trở lên, đến năm 2030 đạt trên 50%; toàn tỉnh đến năm 2025 có khoảng 46 đô thị, 100% các đô thị đều có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP của tỉnh đến năm 2025 khoảng 75%, đến năm 2030 khoảng 80%...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết số 06 để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Do vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phải coi việc hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết, với lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các chỉ tiêu nêu trong nghị quyết vào kế hoạch năm và từng giai đoạn; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư cho rằng; để quản lý đô thị được thực hiện hiệu quả hơn, cần phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho chính quyền các đô thị, gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương; đồng thời phải phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị./.

Theo Đức Đồng/ Bản tin Thời sự tối ngày 18/05/2022