Quốc hội thảo luận về công tác tư pháp và phòng chống tội phạm

21:10 - 24/10/2021

(TTV) – Ngày 24/10 , đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá tiếp tục tham gia thảo luận vào các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

 

Qua thảo luận và cho ý kiến vào các báo cáo, các đại biểu cơ bản tán thành và đánh giá cao những kết quả đã đạt được, thống nhất với những tồn tại, hạn chế mà các báo cáo đã chỉ ra. Các ý kiến nêu rõ, năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID - 19. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, đoàn thể và Nhân dân đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng và đạt được những kết quả quan trọng. 

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ những số liệu trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để đánh giá thực chất hơn những kết quả đạt được và có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các báo cáo. 

Đối với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tham gia thảo luận. Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá khẳng định việc  tổ chức phiên toà trực tuyến là cần thiết, vừa là nội dung mới và xác định có tính chất lâu dài để hướng tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử phù hợp với chủ trương của Đảng. Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị, Quốc hội chỉ nên ban hành Nghị quyết cho phép Tòa án thực hiện thí điểm việc tổ chức phiên tòa trực tuyến để đảm bảo cơ sở pháp lý. Đồng thời, chỉ nên lựa chọn các vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng với chứng cứ rõ ràng, những vụ án dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, chứng cứ đầy đủ và chọn một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện trước, tránh đầu tư dàn trải. Sau thời gian thực hiện, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đánh giá, tổng kết việc thực hiện và báo cáo Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật tố tụng cho phù hợp.

Ngày mai 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận cho ý kiến vào một số dự án Luật sửa đổi và nghe Viện trưởng Viện Liểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

Minh Tuyết – Sỹ Thảo/Bản tin thời sự tối 24.10-TTV