Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

22:11 - 27/05/2020

(TTV) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 , Quốc hội khóa XIV, ngày 27/5, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận về về những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và n hân dân cả nước. Tham dự phiên họp, tại điểm cầu Thanh Hoá có đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hoá và các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn.

 

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.   

Tuy nhiên, các vụ xâm hại trẻ em vẫn xảy ra, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu Quốc hội đã phân tích và đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như: các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em còn thiếu và chưa đồng bộ; quy định về trách nhiệm, quyền hạn, cũng như sự phối kết hợp của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em chưa cụ thể, rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng thiếu hoặc đùn đẩy trách nhiệm; công tác thống kê về các hành vi xâm hại trẻ em chưa đầy đủ nên chưa phản ánh hết được tình hình thực tế; nhiều địa phương chưa bố trí ngân sách hợp lý cho công tác bảo vệ trẻ em… Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng nhanh của mạng internet, những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đã đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ em; tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đang diễn ra phổ biến và nhức nhối. Do vậy, nhiều ý kiến đại biểu đã đề xuất giải pháp  nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp cho công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và trẻ em yếu thế; công tác trợ giúp pháp lý, thực thi pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em…

Ngày 28/5, Quốc hội tiếp tục làm việc theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước./.

Bản tin Thời sự tối TTV