"Nhà báo có lệnh là đi... Dù nắng cháy hay mưa sa"

06:52 - 21/06/2021

Đó là những câu từ mang nặng những tâm tư trong bài hát " Nhà báo đi chống dịch" của nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Trung (Bắc Ninh).

Những ngày dịch COVID-19 bùng phát trở lại với số lượng ca mắc mới tăng vọt, nhiều địa phương buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Sống giữa tâm dịch, bản thân nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Trung hiểu hơn ai hết sự nguy hiểm của các đồng nghiệp khi vẫn tất bật đưa tin dù có thể bị "con virus vô hình" tấn công bất cứ lúc nào. Và đó cũng chính là lý do ca khúc "Nhà báo đi chống dịch" ra đời như một sự cảm thông cùng những lời khích lệ, động viên của nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Trung dành cho những người đồng nghiệp của mình.

Xin chào nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn Trung. Ca khúc "Nhà báo đi chống dịch" thật sự rất có ý nghĩa đối với các nhà báo, đặc biệt ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và các nhà báo cũng "chiến đấu" không kém các lực lượng tuyến đầu. Vậy, có một câu chuyện hay một thời điểm đặc biệt nào khiến ông có cảm xúc để viết lên ca khúc không, thưa ông?

Nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Trung. Ảnh: NVCC

Nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Trung. Ảnh: NVCC

- Trong một lần trò chuyện với lãnh đạo của Đài Phát thanh-Truyền hình Bắc Ninh - cơ quan cũ của tôi, tôi đã được lãnh đạo Đài kể cho nghe về việc các nhà báo vẫn đang ngày đêm tác nghiệp trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Trời nắng chang chang nhưng các bạn phải trùm bộ quần áo bảo hộ kín mít, vác máy quay rồi những phương tiện tác nghiệp vào tận vùng dịch để lấy tin, đưa tin. Bản thân tôi cũng từng là phóng viên nên tôi hiểu và cảm phục với sự dũng cảm của các đồng nghiệp bây giờ.

Có một câu nói của đồng chí lãnh đạo Đài mà tôi nhớ mãi, đó là: "Các cháu đi và chấp nhận mình có thể là F1, F2 nhưng vẫn dấn thân. Vì như vậy mới có những tin bài kịp thời, những hình ảnh sắc nét để gửi về". Cuộc trò chuyện ấy đã thôi thúc tôi, rằng cần phải có một cách để ca ngợi lòng dũng cảm của các nhà báo đang dấn thân vào vùng nguy hiểm để tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh.

Chính ý tưởng đó đã tạo nên những ca từ đầu tiên “Nhà báo có lệnh là đi, như người chiến sĩ sá gì hiểm nguy..." và cứ như thế, mạch nhạc bắt đầu dẫn dắt, tôi bắt tay vào viết rất nhanh. Khi viết xong, tôi có gửi ca khúc cho một vài người bạn và được mọi người ủng hộ. Chỉ tiếc là trong điều kiện thành phố Bắc Ninh đang giãn cách, các phòng thu không mở cửa nên tôi đã dùng cây guitar của mình để tự hát và động viên các nhà báo vẫn miệt mài làm việc trong điều kiện điều kiện tác nghiệp khó khăn như vậy.

Nhà báo Nguyễn Trung trong một lần đi tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Nhà báo Nguyễn Trung trong một lần đi tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Chính xác là từ lúc lên ý tưởng cho đến lúc hoàn thiện, ông đã dành thời gian bao lâu để viết "Nhà báo đi chống dịch"?

- Chắc là chỉ trong khoảng 1 ngày 1 đêm thôi. Lúc đầu, tôi viết chưa hoàn thiện được như bây giờ. Sau khi nghe đi nghe lại vài lần, tôi có bổ sung thêm ý tưởng. Ví dụ, ý “Người làm báo chúng ta bút sắc lòng trong, làm theo lời Bác” hay “Người làm báo chúng ta giữ vững lòng tin, kiên định, vì dân vì nước” và “Nhà báo chúng ta, hát vang lời ca để lên đường chống dịch”. Với những ý tưởng đó, tôi đã tạo nên lời 2 của đoạn điệp khúc.

Trong bài hát "Nhà báo đi chống dịch", tôi rất ấn tượng với câu hát “Nhà báo có lệnh là đi”. Nhớ lại những năm gắn bó cùng nghề báo, ông có thể chia sẻ vài kỷ niệm làm báo thời xưa của mình với độc giả Báo Lao Động không?

- Câu "Nhà báo có lệnh là đi" là đúng với trải nghiệm ngày xưa của tôi và tôi tin bây giờ, các bạn trẻ cũng như vậy. Ngày xưa, chúng tôi làm báo ở Đài Phát thanh- truyền hình Bắc Ninh nên mọi thứ phải kiêm nhiệm hết. Thời đó, tôi làm báo hình nhưng đi đâu cũng chỉ có một mình. Một mình một máy quay, buộc thêm chân máy ở đằng sau xe và làm nhiệm vụ vừa săn tin, vừa quay, vừa viết và tự đọc cả lời bình. Có những phóng viên rất giỏi, họ còn tự dựng rồi gửi về Đài.

Bây giờ, công nghệ thông tin hiện đại, các bạn có thể gửi tin ngay được nhưng chúng tôi hồi đó thì không có. Khi ấy, chúng tôi thường nhắc với nhau rằng, các nhà báo phải có đầy đủ kỹ năng, tự ghi hình, về tự dựng sẽ nhàn hơn rất nhiều. Phương châm của chúng tôi là phải tiết kiệm tối đa thời gian thì mới đảm bảo tính thời sự, kịp thời.

Ca khúc “Nhà báo đi chống dịch” được nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn Trung gửi tặng Báo Lao Động. Ảnh: NVCC

Ca khúc “Nhà báo đi chống dịch” được nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn Trung gửi tặng Báo Lao Động. Ảnh: NVCC

Từng gắn bó 30 năm với nghề báo, ông thấy điểm gì giống và khác nhau giữa thế hệ làm báo bây giờ so với thời xưa của mình?

- Điều giống nhau đầu tiên, có lẽ dù là thế hệ nhà báo nào cũng đều "máu lửa" cả. Làm nghề báo, nói theo ngôn ngữ chung của chúng ta là phải “máu” nghề mới làm được. Còn nếu lười biếng, ở nhà "xào" lại tin bài của đồng nghiệp thì đó là chưa nhiệt huyết.

Đặc biệt là những nhà báo phát hiện ra đề tài và lập tức lên đường luôn là rất dũng cảm. Đối với lớp chúng tôi cũng như các bạn trẻ bây giờ, chúng ta phải có sự đam mê, sự say nghề mới theo cái nghề này được.

Còn khác nhau thì có lẽ, các bạn trẻ bây giờ hơn chúng tôi rất nhiều. Các bạn được trang thiết bị hiện đại hơn, tầm nhìn, tầm suy nghĩ của các bạn cũng khiến chúng tôi phải học hỏi nhiều điều. Có những điều các bạn trẻ bây giờ làm được nhưng cánh nhà báo già ngày xưa của chúng tôi lại không dám làm.

Trong suốt cuộc đời làm báo, theo ông, điều vinh quang và nguy hiểm nhất của nghề báo là gì?

- Nguy hiểm cũng nhiều đấy (cười). Làm báo cũng như tình báo, cũng phải đối mặt với sự doạ dẫm hay những lời đe doạ. Nhưng chỉ cần tâm chúng ta sáng, bút chúng ta sắc, lòng chúng ta trong thì không ai làm gì được. Cứ thực hiện theo đúng 3 tiêu chí này sẽ không có nguy hiểm nào khiến chúng ta sợ cả.

Còn điều vinh quang nhất với tôi có lẽ là được nhiều người yêu mến chứ không phải giành được nhiều giải thưởng hay gì khác. Tôi luôn quan niệm, huy chương của một cuộc thi chỉ là sự đánh giá nhất thời, quan trọng vẫn là tên nhà báo đó in sâu vào lòng công chúng, được nhiều người mến mộ. Đó chính là vinh quang lớn nhất của người làm báo. Đã sống với nghề, mình càng phải giữ gìn thanh danh, ngòi bút của mình.

Ông có thể gửi một lời chúc đến các nhà báo, phóng viên Báo Lao Động nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6?

- Tôi cũng thường xuyên theo dõi Báo Lao Động và thấy được sự vất vả của phóng viên, nhà báo trẻ. Điều đó khiến tôi rất cảm phục các bạn. Tôi xin gửi tới các nhà báo Báo Lao Động nói riêng và các nhà báo nói chung một lời chúc sức khoẻ. Chúc các bạn luôn kiên định lập trường, vững vàng niềm tin, nâng cao trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị trên chiến tuyến của những người làm báo theo khẩu hiệu “Tâm sáng - Lòng trong - Bút sắc”. Chúc các bạn luôn có sự dũng cảm, xông xáo để đưa tin kịp thời đến quần chúng nhân dân.

Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

THEO BÁO LAO ĐỘNG