Quy hoạch đô thị Thanh Hóa phát triển bởi 3 trục chính

20:30 - 01/04/2023

Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/3/2023 đã xác định rõ định hướng phát triển không gian đô thị với ý tưởng chủ đạo là: tựa núi ngàn Nưa - bên sông Mã - hướng ra biển. Khung cấu trúc đô thị được quy hoạch 3 trục chính, hướng tới một “Thành phố hội tụ, kết nối phát triển” với vai trò là một trung tâm liên kết vùng Bắc Trung Bộ với đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào.

Quy hoạch đô thị Thanh Hóa phát triển bởi 3 trục chính

Theo Quy hoạch vừa được phê duyệt, 3 trục phát triển chính của đô thị Thanh Hóa sẽ gồm: trục truyền thống theo hướng Bắc Nam dọc quốc lộ 1A cũ, có chức năng kết nối các khu vực phát triển truyền thống của đô thị gồm khu vực Hàm Rồng; khu vực Hạc Thành và khu vực cầu Quán Nam. 

Quy hoạch đô thị Thanh Hóa phát triển bởi 3 trục chính - Ảnh 2.

Trục phát triển hướng Tây Bắc - Đông Nam theo các tuyến quốc lộ 45, quốc lộ 47, đại lộ Đông Tây, đại lộ Nam sông Mã, nối các khu vực phát triển đô thị hiện đại từ Nút giao đường bộ cao tốc Đông Xuân, qua Trung tâm hiện hữu của thành phố, kết nối với thành phố du lịch biển Sầm Sơn. Trục phát triển chính thứ 3 là trục phát triển mới theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, từ đường Trung tâm thành phố đi cảng hàng không Thọ Xuân qua đại lộ Lê Lợi, đại lộ Nguyễn Hoàng đi biển Hải Tiến, kết nối các khu vực có vai trò động lực phát triển mới, tạo ra cơ hội hình thành, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ vận tải, dịch vụ - thương mại, du lịch...

Quy hoạch đô thị Thanh Hóa phát triển bởi 3 trục chính - Ảnh 3.

hạc sỹ, Kiến trúc sư Phạm Xuân Na, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa

Thạc sỹ, Kiến trúc sư Phạm Xuân Na, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa cho biết: "Trong quy hoạch lần này đã xác định 3 trục phát triển, 6 trung tâm và các vành đai. 3 trục phát triển: Trục Bắc - Nam là trục kết nối các khu vực truyền thống; trục Tây Bắc - Đông Nam, từ quy hoạch 2009 đã xác định, kết nối các vùng đã phát triển đô thị Đông Sơn, qua trung tâm thành phố, kết nối xuống Sầm Sơn. Định hướng từ quy hoạch cũ phát triển 2 bờ sông Mã xuống phía Đông tạo nên liên đô thị. Quy hoạch lần này xuất hiện trục mới là động lực phát triển của đô thị, được hình thành nên bởi trục từ đường Sao Vàng đi trung tâm thành phố thanh Hóa, qua đại lộ Lê Lợi, kết nối với khu Du lịch Hải Tiến, mang tính động lực, tạo sự phát triển lâu dài".

Quy hoạch đô thị Thanh Hóa phát triển bởi 3 trục chính - Ảnh 4.

Việc xác định rõ các trục phát triển chính sẽ là cơ sở quan trọng cho công tác lập quy hoạch các phân khu, duy trì cấu trúc ổn định, lâu dài cho sự phát triển của đô thị Thanh Hóa theo mô hình "tập trung, đa tâm"; lấy trục Đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị. Đây cũng là cơ sở để khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, những nét đẹp của vùng đất, con người xứ Thanh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Quy hoạch đô thị Thanh Hóa phát triển bởi 3 trục chính - Ảnh 5.

Ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Xây dựng Thanh Hóa

Ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: "Thành phố Thanh Hóa phát triển trên cơ sở Hạc Thành xưa, có bề dày lịch sử, có Hạc Thành, sông Mã, núi Đọ, rừng Thông. Từ các lõi đấy, ban đầu trong giai đoạn đầu phát triển lan tỏa thông qua các vành đai. Mô hình này, giai đoạn này phát triển các không gian về phía Bắc, Đông, Tây, mỗi khu vực đấy là khu vực đang phát triển mới của tỉnh, nhất là phía Tây hình thành đường cao tốc với các nút giao. Quy hoạch kế thừa cái cũ, khai thác cái mới của quốc gia, của tỉnh trong giai đoạn mới, có tính hội tụ và lan tỏa".

Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hoá trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hoá, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 

Quy hoạch đô thị Thanh Hóa phát triển bởi 3 trục chính - Ảnh 6.

Việc xác định 3 trục chính trong quy hoạch, tạo cơ sở quan trọng để thành phố Thanh Hoá không chỉ mở rộng mà còn phát triển đồng đều, tạo động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.



Nguồn: Bản tin thời sự tối TTV