Quy hoạch đô thị Thanh Hoá theo cấu trúc đa tâm

Theo quy hoạch đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040, không gian phát triển của thành phố Thanh Hoá bao gồm toàn bộ thành phố Thanh Hóa hiện nay và toàn bộ diện tích của huyện Đông Sơn, đưa quy mô đô thị của thành phố tương lai lên diện tích khoảng gần 23.000 ha, là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh có quy mô diện tích lớn nhất cả nước. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, tổ chức về không gian và cấu trúc đô thị đã được chuyển từ cấu trúc lõi sang cấu trúc đa tâm với 6 trung tâm tích hợp.

Quy hoạch lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc. Theo đó, trung tâm hiện hữu có chức năng trọng tâm là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố và của cả tỉnh Thanh Hóa. Tại khu vực này sẽ phát triển tập trung 3 vành đai gồm: Vành đai Hồ Thành là khu vực nội thành Hạc Thành xưa, giới hạn bởi hệ thống hồ nước quanh thành; Vành đai lõi trung tâm cũ: giới hạn bởi sông Nhà Lê, sông Hạc, kênh Vinh và đường sắt Bắc – Nam; Vành đai lõi trung tâm mở rộng: giới hạn bởi đường Vành đai phía Đông và phía Tây thành phố; mở rộng tại khu vực Nam Ngạn và Đông Hải đến bờ Nam sông Mã. 

Quy hoach đô thị Thanh Hoá theo cấu trúc đa tâm - Ảnh 2.

Cùng với trung tâm hiệu hữu, Quy hoạch còn xác định 5 trung tâm khác gồm: Trung tâm Hàm Rồng - Núi Đọ, Trung tâm Đông Nam, Trung tâm Đông Bắc, Trung tâm phía Tây, Trung tâm phía Tây Nam. Mỗi trung tâm được phân vùng chức năng để phù hợp với xây dựng hình thái, chủ đề, chức năng hoạt động của từng khu vực.

Việc xác định 6 trung tâm phát triển sẽ là cơ sở để "Xây dựng thành phố đẹp, bản sắc, sinh thái, môi trường thuận lợi", tạo cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái với định hướng phát triển đô thị mạnh về dịch vụ, phát triển các quỹ đất để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. 

Quy hoach đô thị Thanh Hoá theo cấu trúc đa tâm - Ảnh 4.

Tại các trung tâm này cũng được đầu tư hoàn thiện và nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống hạ tầng xã hội vì chất lượng sống của người dân thành phố. Tiến tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa Đông Sơn, đồng bằng sông Mã.

 

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV