Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng tích cực

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quý 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã đạt mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực, tạo niềm tin và động lực để các ngành, các địa phương, doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm 2024 từ 14,9% trở lên.

Là lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, quý 1/2024 hoạt động sản xuất của ngành dệt may Thanh Hoá đã có nhiều khởi sắc khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn. Ước quý 1/2024, sản lượng của ngành dệt may tăng 6,3%, xuất khẩu tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.

Có được kết quả đó là nhờ các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, linh hoạt tìm kiếm thị trường. Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng đến hết quý 2/2024 và đang tăng tốc sản xuất, tìm kiếm đơn hàng mới, tạo đà cho tăng trưởng của cả năm 2024.

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng tích cực- Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Phiêu, Quản lý sản xuất Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise, tỉnh Thanh Hoá

Ông Trần Ngọc Phiêu, Quản lý sản xuất Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Công ty đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để đáp ứng các đơn hàng sản xuất, nâng cao máy móc đáp ứng năng suất tốt hơn, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, tìm thị trường mới, đặc biệt thị trường Châu Âu, phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm ngoái".

Bước sang quý 1/2024, mặc dù thị trường hàng hoá quốc tế đã phục hồi trở lại, nhưng tình hình dịch bệnh, xung đột chính trị, lạm phát kinh tế trên thế giới vẫn tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp của nước ta. Trong bối cảnh đó, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng dư địa sản xuất đối với những sản phẩm chủ lực, như: xi măng, thép, lọc hoá dầu; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp mới vào hoạt động.

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng tích cực- Ảnh 2.

Về phía các doanh nghiệp cũng đã chủ động tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Nhờ vậy, trong quý 1/2024 đã có 19/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Việc sản lượng đạt cao ngay từ đầu năm đã đem lại tín hiệu tích cực, tạo động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong những tháng tiếp theo.

Ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Chúng tôi hướng tới tiêu chuẩn khó tính nhất trên thị trường giấy bao bì, thứ 2 cắt giảm chi phí sản xuất, để cạnh tranh hơn về giá, đảm bảo tiến độ giao hàng cho khách hàng, quyết tâm 2024 vượt sản lượng so với 2023 khoảng 10%".

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng tích cực- Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Trường, tỉnh Thanh Hoá

Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Trường, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Sản lượng quý 1 tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, hiện nay chúng tôi đã ký hợp đồng với giày Puma hợp đồng 3 – 5 năm, công nỗ lực tìm thị trường, đơn hàng, đảm bảo việc làm cho công nhân".

Tuy đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, nhưng sản xuất công nghiệp năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những biến động về giá cước vận tải đang ảnh hưởng lớn đến nguồn cung, chi phí, giá cả nguyên vật liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu trong những tháng tới. Do đó, các doanh nghiệp cần linh hoạt, dự báo đúng thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất. Ngành Công thương Thanh Hóa cũng đang tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng sản xuất của từng nhóm hàng, ngành hàng để kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 29/03/2024