Sao không bỏ quy định chụp ảnh chủ thuê bao di động sớm hơn?

15:32 - 03/10/2018

Nhiều người dân ủng hộ việc hủy quy định chụp ảnh chủ thuê bao, nhưng nếu việc này thực hiện sớm hơn có thể không tiêu tốn hàng chục tỉ đồng vô nghĩa.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có tờ trình gửi Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 25/2011/NĐ-CP. Trong đó có đề xuất bỏ quy định chụp ảnh, bổ sung ảnh chân dung cho các nhà mạng.

Người dân xếp hàng lúc 20h00 chờ chụp ảnh chân dung để bổ sung thông tin thuê bao theo quy định.
Người dân xếp hàng lúc 20h00 chờ chụp ảnh chân dung để bổ sung thông tin thuê bao theo quy định.

Quyết liệt thực hiện và "không mang lại ý nghĩa"

Theo Bộ TT&TT, yêu cầu này có thể làm rò rỉ thông tin riêng của khách hàng, đồng thời việc bổ sung ảnh chân dung là không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân (CMND), đặc biệt là các thuê bao trả sau vốn có thông tin cá nhân đầy đủ, chính xác.

Ngoài ra, dự tính sớm nhất đến năm 2028, Việt Nam mới có cơ sở dữ liệu căn cước công dân tập trung trên cả nước, từ đó có cơ sở để đối soát, chứng minh thông tin đăng ký thuê bao có chính xác hay không.

Bộ TT&TT cho rằng, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý và nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao (đặc biệt là các thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác như các thuê bao trả sau) đi bổ sung ảnh chụp (các doanh nghiệp ước tính là còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này) sẽ lại tiếp tục gặp phản ứng, do vậy thực sự cần xem xét, bãi bỏ quy định này.

Trước thông tin về dự thảo sửa đổi, đa số người dân đều đồng tình và đánh giá đây là quyết định hợp lý, tránh mất thời gian, lãng phí tiền bạc của cả người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu quy định này được thực hiện từ trước hay nói cách khác trước khi ra quy định, cơ quan quản lý xem xét kỹ về nền tảng thực hiện (cơ sở dữ liệu đối soát), thì người dân sẽ đỡ tốn thời gian, doanh nghiệp không lãng phí tiền bạc cho quy định thiếu thực tế này.

Chị Mai Thị Loan ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, đối với người đã phải nghỉ việc đến 2 ngày chỉ để xếp hàng chụp ảnh chân dung thì quy định hủy bỏ này quá muộn, nhưng chị vẫn ủng hộ vì những thuê bao về sau sẽ đỡ khổ như chị.

"Cơ quan quản lý cần cân nhắc tính khả thi các quy định, quyết định của mình, tránh việc cứ đưa ra thực tế, người dân chịu đủ phiền phức rồi kêu bỏ. Tốn kém thời gian, tiền bạc không cần thiết", chị Loan cho hay.

Cơn "sốt" xếp hàng chụp ảnh chân dung

Nhớ lại, hơn 1 năm trước, các cơ quan truyền thông, chuyên gia, luật sư và người dân cùng lên tiếng phản ứng khá gay gắt trước việc Bộ TT&TT yêu cầu thực hiện nghiêm việc bắt buộc các chủ thuê bao phải chụp ảnh chân dung nếu muốn sở hữu hoặc giữ lại quyền làm chủ đối với số thuê bao điện thoại di động, nếu không thực hiện sẽ bị khóa hai chiều.

Từ thanh niên đến các cụ già đều phải đi chụp ảnh chân dung để bổ sung thông tin thuê bao.
Từ thanh niên đến các cụ già đều phải đi chụp ảnh chân dung để bổ sung thông tin thuê bao.

Ở thời điểm đó, nhiều luật sư cho rằng việc này đã vi phạm quyền công dân, vi phạm hợp đồng giao kết giữa khách hàng với nhà mạng, tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Thế nhưng, cơ quan chức năng như Cục Viễn thông vẫn kiên quyết chỉ đạo thực hiện với rất nhiều lý do hợp lý như “bảo đảm an ninh quốc gia”, “tăng cường công tác quản lý”, “giảm sim rác, tin nhắn rác”, “đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ thuê bao”…

Cao điểm là cuối tháng 4/2018, quy định này càng được các nhà mạng siết mạnh và yêu cầu các chủ thuê bao nếu không nghiêm chỉnh thực hiện sẽ khóa cả chiều thông tin đi và nhận. Kết quả là tạo cơn "sốt" người người, nhà nhà, từ già đến trẻ bỏ việc, bỏ làm, xếp hàng từ sáng sớm đến đêm khuya để đi chụp ảnh chân dung cho nhà mạng.

Không những thế, do quá tải người dùng đến cập nhật thông tin, các nhà mạng còn phải tăng cường nhân lực, thiết bị, mở thêm điểm giao dịch di động trên toàn quốc để phục vụ.

Dù chưa tính thời gian người dân và doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện quy định chụp ảnh chân dung, số tiền do người dùng bị ngắt quãng công việc, nhà mạng đầu tư con người và thiết bị (chưa thể thống kê) ước tính cũng lên đến con số hàng chục tỉ đồng bị lãng phí vô ích.

Đó là chưa kể tới chi phí lưu giữ thông tin, tăng cường bảo mật thông tin… cũng như nguy cơ rò rỉ thông tin người dùng... khi thực hiện quy định này.

Sau chưa đầy 1 năm thực hiện quyết liệt, nhận thức được sự "không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý" của hoạt động này, Bộ TT&TT đã kiến nghị dừng lại cũng là một động thái tích cực. Nhưng với hàng chục tỉ đồng bỏ ra trong thời gian qua cũng là một sự lãng phí không hề nhỏ.

Vân Anh/VOV.VN