Sâu sát Nhân dân để giải quyết các bức xúc từ cơ sở

20:33 - 15/05/2022

(TTV) - Trong thời gian qua, hệ thống Dân vận và MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân; phối hợp với chính quyền để giải quyết kịp thời những điểm nóng, vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở; qua đó, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và cả tỉnh.

Vào tháng 3 năm 2021, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng trên sông Mã khu vực huyện Bá Thước vô cùng bức xúc do tình trạng nước sông ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt. Các cơ quan chức năng đã khẩn trương xác định nguyên nhân và xử phạt các doanh nghiệp xả thải trái phép.

Cá lồng chết hàng loạt trên sông Mã
Cá lồng chết hàng loạt trên sông Mã

Đồng thời, hệ thống chính trị các cấp đã vào cuộc để nắm bắt tâm tư của người dân, ổn định tình hình và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Đến nay, người nuôi cá lồng tại Bá Thước đã ổn định tư tưởng, yên tâm bắt tay vào sản xuất trở lại. 

Bà Nguyễn Thị Lan-Thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa:  "Cấp ủy, chính quyền cũng rất quan tâm, các cấp các ngành cũng lên hỏi thăm. Năm nay xem như là ổn định rồi, không có vấn đề gì về nước nữa. Chúng tôi cũng đã tái đàn, nuôi cá trở lại; đời sống cũng bình thường, không căng co lắm ".
Bà Nguyễn Thị Lan-Thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa: "Cấp ủy, chính quyền rất quan tâm, các cấp các ngành cũng lên hỏi thăm. Năm nay xem như là ổn định rồi, không có vấn đề gì về nước nữa. Chúng tôi cũng đã tái đàn, nuôi cá trở lại; đời sống cũng bình thường, không căng co lắm".

Năm 2020, 4 dự án trang trại chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn tại huyện Lang Chánh được triển khai xây dựng. Tại thời điểm đó, nhiều hộ dân đã khiếu nại với chính quyền địa phương về những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thậm chí có hành động cản trở, không cho dự án thi công. Tuy nhiên, với việc chủ động đối thoại của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các vướng mắc từng bước được tháo gỡ. Đến nay, cả 4 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Chủ đầu tư cũng đang tiếp tục thực hiện mở rộng quy mô dự án.

Có thể nói, chủ động đối thoại, nắm bắt và giải quyết bức xúc ngay từ cơ sở đã tạo môi trường thuận lợi cho huyện Lang Chánh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là cấp xã, việc đối thoại, nắm bắt tâm tư của người dân còn chưa được chú trọng. Một số hộ dân thôn Trà La, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền chậm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp ngõ đi chung. Điều này không chỉ gây bức xúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng, mà còn dễ dẫn đến hình thành, phát sinh các điểm nóng về an ninh trật tự.  

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại một địa phương không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột lợi ích với một nhóm, bộ phận người dân. Đây là điều tất yếu, biện chứng của quá trình phát triển. Điều quan trọng nhất là sự nhận thức của những người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, của cán bộ đảng viên, công chức trong việc đối thoại với Nhân dân để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, giải quyết bức xúc của người dân; vừa đảm bảo sự phát triển vừa đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân, đồng thời thể hiện tinh thần gần dân, trọng dân. Trong đối thoại, hoạt động của hệ thống Dân vận, Mặt trận đóng vai trò như chất xúc tác cho sự tin tưởng, đoàn kết, thống nhất giữa người dân và cấp ủy, chính quyền.  

Bà Phạm Thị Thanh Thủy-Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy-Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết:  "Ở địa phương nào cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chính quyền coi việc đối thoại là trách nhiệm, cũng đồng thời giúp cho chính quyền có đầy đủ thông tin để giải quyết các vấn đề, các nhiệm vụ một cách tốt nhất; thì ở địa phương đó, sự đồng thuận của Nhân dân rất là cao, địa phương đó có sự phát triển rất tốt. Còn nếu như ở địa phương thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế đối thoại theo quy định; thì ở địa phương đó, nhiều vấn đề mà người dân quan tâm chưa được giải quyết một cách kịp thời ".
Bà Phạm Thị Thanh Thủy-Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy-Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ở địa phương nào cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chính quyền coi việc đối thoại là trách nhiệm, cũng đồng thời giúp cho chính quyền có đầy đủ thông tin để giải quyết các vấn đề, các nhiệm vụ một cách tốt nhất; thì ở địa phương đó, sự đồng thuận của Nhân dân rất là cao, địa phương đó có sự phát triển rất tốt. Còn nếu như ở địa phương thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế đối thoại theo quy định; thì ở địa phương đó, nhiều vấn đề mà người dân quan tâm chưa được giải quyết một cách kịp thời".

Thực tiễn trong sự phát triển nhanh và ổn định của Thanh Hóa thời gian qua đã cho thấy: bên cạnh sự vào cuộc có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu các cấp; hệ thống Dân vận và MTTQ đã phát huy vai trò là cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền để nắm bắt tâm tư, dư luận xã hội, thực hiện chức năng phản biện và giám sát.

Do đó, nhiều vụ việc bức xúc phát sinh từ cơ sở đã được nắm bắt, tháo gỡ, không để phát sinh thành những điểm nóng, phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. 

Theo Hữu Đại – Văn Tráng – Thanh Văn 

Bản tin TS tối 15/5