Siêu kính thiên văn Trung Quốc phát hiện kinh ngạc về sao

15:18 - 11/01/2022

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học, sử dụng kính thiên văn vô tuyến khổng lồ của Trung Quốc, đã phát hiện các ngôi sao có thể sinh ra nhanh hơn nhiều so với nhận định ​​trước đây.

 

Các ngôi sao hình thành khi các đám mây bụi và khí sụp đổ, kích hoạt phản ứng tổng hợp hạt nhân bên trong các quả cầu vật chất dày đặc. Ảnh: NASA/ESA/Hubble Heritage Team (STScI/AURA)
Các ngôi sao hình thành khi các đám mây bụi và khí sụp đổ, kích hoạt phản ứng tổng hợp hạt nhân bên trong các quả cầu vật chất dày đặc. Ảnh: NASA/ESA/Hubble Heritage Team (STScI/AURA)

Theo Space.com, các nhà thiên văn học Trung Quốc đã sử dụng Kính viễn vọng Hình cầu Khẩu độ 500 mét (FAST) để thăm dò từ trường bên trong một đám mây phân tử có tên là Lynds 1544 - nằm trong chòm sao Kim Ngưu và cách Trái đất khoảng 450 năm ánh sáng.

Kính thiên văn FAST nằm bên trong một miệng núi lửa tự nhiên ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc. Với đĩa có đường kính 500 mét, FAST đã giữ kỷ lục là kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới trong 53 năm. Chiếc đĩa khổng lồ của nó được làm từ hàng nghìn tấm hình tam giác, có thể điều khiển mỗi tấm để cho phép kính thiên văn tập trung vào các mục tiêu khác nhau, BBC đưa tin năm 2016.

Các nhà thiên văn học trước đây đã đo từ trường bên trong phần dày đặc nhất của đám mây - nơi cư trú của ngôi sao proto non trẻ - bằng Kính viễn vọng Vô tuyến Arecibo khổng lồ ở Puerto Rico. Đài quan sát này sau đó đã bị sụp đổ. Họ cũng thăm dò những vùng thưa hơn ở rìa đám mây. Giờ đây, các phép đo của FAST tập trung vào vùng ở giữa - nơi ẩn chứa một phần thông tin trước đó bị thiếu.

Các nhà nghiên cứu cho hay, các phép đo cho thấy từ trường ở những khu vực này yếu hơn 13 lần so với dự đoán của các mô hình lý thuyết. Điều đó có nghĩa là từ trường không đủ mạnh để giữ vật chất đang sụp đổ và phản ứng tổng hợp hạt nhân sẽ bốc cháy bên trong quả cầu vật chất dày đặc nhanh hơn nhiều so với dự kiến trước đây. Phản ứng tổng hợp hạt nhân là thứ cung cấp năng lượng cho các ngôi sao sống bao gồm cả Mặt trời của chúng ta.

Các nhà khoa học cho biết, nếu các phép đo của các đám mây hình thành sao khác cho kết quả tương tự, thì phát hiện này có thể cách mạng hóa lý thuyết về sự hình thành sao.

Paola Caselli từ Viện Vật lý Ngoài Trái đất Max Planck - người không tham gia nghiên cứu - nói với Science rằng, nếu điều này được chứng minh là đúng ở các đám mây khí khác, nó sẽ một cuộc cách mạng đối với cộng đồng nghiên cứu sự hình thành sao. 

NGUYỄN HẠNH/Báo Lao Động