Sớm có chế độ trợ giúp hộ gia đình có từ 2 nạn nhân chất độc màu da cam trở lên không tự phục vụ được

20:47 - 10/08/2018

(TTV) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, song hậu quả chất độc hóa học do Mỹ để lại đối với người dân vẫn hết sức nặng nề. Những nạn nhân thế hệ thứ hai, thứ ba của người bị phơi nhiễm hầu hết bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, thường xuyên phải có người chăm sóc, phục vụ, khiến cho cuộc sống của gia đình nạn nhân càng thêm khó khăn.

Ròng rã ngày qua ngày, bà Thiều Thị Nhuần ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn phải chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho 3 người con gái bị nhiễm chất độc da cam. Cô chị năm nay 36 tuổi, 2 cô em sinh đôi 31 tuổi nhưng vẫn như những đứa trẻ, không nhận biết được gì lại còn thường xuyên lên cơn động kinh. Những khó khăn, vất vả của hai vợ chồng người cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong này càng nhân lên khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe giảm sút.

Bà Thiều Thị Nhuần (Thôn Triệu Tiền, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) cho biết: "Chiến tranh đã lùi xa 40 năm rồi, nhiều nỗi đau mất mát cho gia đình. Các cháu sinh ra không được làm người, các cháu không tự phục vụ được. Cuộc sống vất vả nhiều lắm. Vợ chồng cũng yếu, ốm đau"

Cũng như gia đình bà Nhuần, trên địa bàn tỉnh còn 445 hộ gia đình có 2 nạn nhân chất độc da cam trở lên bị mất khả năng tự phục vụ như mù 2 mắt, liệt toàn thân, tâm thần, câm điếc nằm bất động suốt 30, 40 năm, có trường hợp bất đắc dĩ gia đình phải đưa nạn nhân vào trong cũi để chăm sóc.

Ông Lê Ngọc Phích (Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Triệu Sơn) cho biết: "Hội Nạn nhân chất độc màu da xam huyện Triệu Sơn hiện nay có 6 trường hợp nạn nhân gián tiếp liệt toàn thân, thần kinh, ko chủ động được. Người chăm sóc là những người mẹ già đã yếu rồi nên chúng tôi thấy cần phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ để chăm sóc số nạn nhân này. Ko có số nạn nhân không tồn tại được lâu dài"

Theo Quyết định số 16 ngày 5/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ giúp đối với hộ gia đình có từ 2 người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả chất độc hóa học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, thì mức trợ giúp là 200 ngàn đồng 1 hộ 1 tháng áp dụng đối với hộ gia đình có 2 người không tự phục vụ được, 300 ngàn đồng đối với hộ gia đình có 3 người và 400 ngàn đồng đối với hộ gia đình có 4 người trở lên không tự phục vụ được. Kinh phí thực hiện trợ giúp do nguồn bảo đảm xã hội của ngân sách địa phương chi trả hàng năm. Tuy nhiên đến nay, những gia đình này vẫn chưa được hưởng chế độ trợ giúp theo quy định.

Ông Nguyễn Đình Tâm (Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Đông Sơn) cho biết: "Rất mong muốn Đảng, Nhà nước có chế độ cho người chăm sóc các cháu, làm thế nào để chăm sóc tốt cho những đối tượng này"

Việc nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý, tình cảm của toàn xã hội đối với những gia đình đã có công với đất nước. Bởi vậy, những bất cập, vướng mắc từ chính sách, chế độ đối với những gia đình nạn nhân chất độc da cam cần sớm được các cấp, các ngành tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Cẩm Thơ – Quang Phú