Tầm soát sớm bệnh tan máu bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số

18:42 - 07/04/2021

(TTV) - Bệnh tan máu bẩm sinh (bệnh Thalassemia) là một căn bệnh khá nguy hiểm, tồn tại dai dẳng và ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Bởi vậy, tầm soát sớm để phát hiện bệnh là vô cùng quan trọng, làm giảm thiểu gánh nặng, nỗi đau tinh thần cho người bệnh và gia đình.

 

 Tại Khoa máu – thận, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa hiện có 230 bệnh nhân thể nặng và trung bình phải truyền máu định kỳ từ 1 đến 3 tháng 1 lần. Đa phần các bệnh nhân đến từ các huyện miền núi trong tỉnh. Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền, cho nên nếu hai người cùng mang gene bệnh kết hôn và sinh con, thì con của họ sẽ có đến 25% khả năng bị mắc bệnh thể nặng, 50% khả năng mang gene bệnh. Với người mắc bệnh này, hồng cầu bị vỡ liên tục, giải phóng ra nhiều sắt, chất sắt đó sẽ ứ đọng lại trong cơ thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh thể nặng thường có cuộc sống ngắn, chất lượng cuộc sống kém.

Theo các chuyên gia y tế, cách phòng bệnh tan máu bẩm sinh tốt nhất là không sinh ra những đứa trẻ bị bệnh. Để làm được việc này, khám sức khỏe tiền hôn nhân hay khám sàng lọc trước sinh đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện ra bố mẹ có mang gene bệnh hay không. Đây không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình, mà còn là bước đi lâu dài của ngành dân số và cả xã hội nhằm đạt mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi./.

Theo Cẩm Thơ – Xuân Quang/Bản tin 18h30 ngày 7.4-TTV