Tăng cường chăm sóc thủy sản trong điều kiện nắng nóng

10:27 - 06/07/2018

(TTV) - Trong điều kiện nắng nóng kéo dài như hiện nay, nhiệt độ cao tạo nên sự chênh lệch lớn trong môi trường ao nuôi, làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, phát triển của thủy sản. Để hạn chế thiệt hại, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang chủ động hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước những bất lợi của thời tiết.

 

Các địa phương tăng cường chăm sóc thủy sản trong điều kiện nắng nóng
Các địa phương tăng cường chăm sóc thủy sản trong điều kiện nắng nóng

Những biện pháp kỹ thuật đang được các hộ nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa thực hiện chăm sóc con nuôi trong thời điểm nắng nóng này là dùng men vi sinh hòa tan, rải đều xuống ao nuôi xử lí đáy 10 ngày một lần nhằm giữ nguồn nước được lâu hơn… Kiểm tra thường xuyên nguồn nước, duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,4m trở lên để tránh hiện tượng thủy sản bị sốc do nhiệt độ môi trường tăng cao…           

Huyện Hoằng Hóa hiện có hơn 2.500 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt, trong đó hầu hết diện tích nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Do đó, khó có thể kiểm soát nguồn nước, kết hợp với thời tiết nắng nóng những ngày qua nên một số diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện đã bị chết và bị bệnh đốm trắng.

Ông Lê Huy Cường, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Hoằng Hóa: Trước tình trạng nắng nóng, Uỷ ban huyện đã có văn bản chỉ đạo các trạm thú y, khuyến nông tâp trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nuôi trồng thủy sản các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của cơ quan chức năng… Đối với một số đầm bị bệnh đốm trắng thì ngăn không xả nước ra ngoài.
Ông Lê Huy Cường, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Hoằng Hóa: Trước tình trạng nắng nóng, Uỷ ban huyện đã có văn bản chỉ đạo các trạm thú y, khuyến nông tâp trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nuôi trồng thủy sản các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của cơ quan chức năng… Đối với một số đầm bị bệnh đốm trắng thì ngăn không xả nước ra ngoài.

Hiện nay, các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng cường cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn các hộ nuôi quản lý tốt môi trường ao nuôi, tùy điều kiện từng nguồn nước cấp để khuyến cáo các hộ nuôi thả giống với mật độ vừa phải, cân đối cơ cấu giống, thức ăn hợp lý. Đồng thời, khuyến khích người dân thu hoạch nhanh những diện tích thủy sản đã đạt kích cỡ để tránh rủi ro.

Thanh Hóa hiện có hơn 19 nghìn ha nuôi trồng thủy sản các loại và vụ xuân-hè được xem là vụ sản xuất chính trong năm. Vì thế, để đảm bảo năng suất, giá trị nuôi trồng thủy sản, nhất là trong giai đoạn nắng nóng hiện nay, các địa phương và các hộ nuôi thủy sản cần quan tâm theo dõi dự báo thời tiết để có biện pháp chăm sóc phù hợp, bảo vệ các đối tượng con nuôi phát triển tốt./.

Hương Hạnh- Văn Lọc- Lê Quang