Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

05:26 - 09/11/2018

(TTV)- Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay được lấy chủ đề: "Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Trên cơ sở chủ đề này, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã phối hợp cùng các sở ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Thanh Hóa  đã chủ động phối hợp với các sở ngành, các địa phương trong tỉnh hướng dẫn, tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức Hội nghị, Hội thi tìm hiểu pháp luật;  biên soạn phát hành tài liệu; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng quản lý, khai thác tủ sách pháp luật…

Cùng với Sở Tư pháp, các sở ngành cấp tỉnh, các tổ chức đoàn thể cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền các văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị mình, tăng cường hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho tập thể cán bộ, viên chức, người lao động.

Tại các địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đều xác định rõ: việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân có vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo, điều hành, giúp ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.  Các văn bản pháp luật có liên quan đến đời sống nhân dân như: Luật đất đai, luật hôn nhân gia đình, Luật dân sự, Luật lao động, Luật nghĩa vụ dân sự…vv được các địa phương tập trung tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, các hội nghị và nhiều hình thức khác.

Việc nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân và trong chính đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp pháp luật được thực thi nghiêm túc, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó góp phần hạn chế các tranh chấp phát sinh, các vụ việc khiếu kiện, tố cáo kéo dài, vượt cấp. 

 Ông Lê Huy Hòa- Chủ tịch UBND xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn:  "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền pháp luật đến nhân dân bằng nhiều hình thức như thông qua loa truyền thanh, các hội nghị, buổi tập huấn để người dân hiểu và thực hiện theo quy định của nhà nước ".
Ông Lê Huy Hòa- Chủ tịch UBND xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn: "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền pháp luật đến nhân dân bằng nhiều hình thức như thông qua loa truyền thanh, các hội nghị, buổi tập huấn để người dân hiểu và thực hiện theo quy định của nhà nước".

Bên cạnh nhu cầu tiếp nhận một chiều thông tin pháp luật do các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền chủ động đưa tới, thì nhu cầu về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các tổ chức, cá nhân cũng rất lớn. Thông qua trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hóa và Hội luật sư Thanh Hóa, mỗi năm có hàng nghìn người dân được trợ giúp  pháp lý, tư vấn, bảo vệ pháp luật, trong đó có không ít người dân nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: hình thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật dù đã có những đổi mới nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chuyển biến chưa nhiều. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ở cấp huyện, xã.

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, cùng với sự bùng nổ của mạng internet, các loại hình báo điện tử, các trang mạng xã hôi, các thông tin mọi mặt của đời sống xã hội nhanh chóng được đăng tải, chia sẻ, giúp người dân kịp thời tiếp cận, nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt, tác động xấu đến an ninh trật tự xã hội, gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cấp ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, chủ động trong việc định hướng thông tin, tuyên truyền pháp luật, kịp thời xử lý những thông tin không chính xác, có tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần quan tâm, chú trọng đối tượng đặc thù như thanh thiếu niên, người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo

Ông Bùi Đình Sơn- Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa:  "Sở Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch, đề án đã đề ra trong năm 2018. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong việc tuyên truyền pháp luật mà từ đầu năm các ngành đã ký với sở Tư pháp "
Ông Bùi Đình Sơn- Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa: "Sở Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch, đề án đã đề ra trong năm 2018. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong việc tuyên truyền pháp luật mà từ đầu năm các ngành đã ký với sở Tư pháp"

Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân, các tổ chức, đơn vị đạt được kết quả cao hơn rất cần sự phối hợp chặt chẽ và sự nhìn nhận, thực hiện nghiêm túc của những sở ngành hữu quan và các địa phương. Các hình thức tuyên truyền cần được đổi mới phong phú, đa dạng hơn, nội dung tuyên truyền tập trung đi sâu vào những vấn đề, thông tin cần thiết với  người dân. Khi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả thực sự sẽ tác động nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Lan Phương – Thanh Tùng