Tăng cường giáo dục học sinh về phòng, chống thiên tai

23:00 - 16/05/2018

(TTV) - Thực hiện "Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020", những năm học gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa nội dung phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào giảng dạy, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng để có thể tự cứu mình và những người xung quanh khi có sự cố không may xảy ra.

 

Một tiết học ngoại khóa của lớp 7A, trường THCS Hoằng Quang (thành phố Thanh Hóa), một ngôi trường nằm ở khu vực ngoại đê sông Mã. Nội dung giảng dạy là những kiến thức về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nằm trong kế hoạch phòng, chống thiên tai được nhà trường triển khai từ nhiều năm nay.

 Cô Vũ Thị Hường (Giáo viên trường THCS Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa) cho biết:

Cô Vũ Thị Hường (Giáo viên trường THCS Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Địa phương tôi nằm ở vùng ngoài đê nên thường xuyên xảy ra lũ lụt. Ý thức được việc đó, trong quá trình giảng dạy chúng tôi đã lồng ghép vào các môn học như môn địa lý hoặc môn giáo dục công dân để giảng cho các em về biến đổi khí hậu để các em có hành động ứng phó với sự biến đổi khí hậu đó"

 Em Lê Hải Yến (Học sinh lớp 7A, trường THCS Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa) cho biết:

Em Lê Hải Yến (Học sinh lớp 7A, trường THCS Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Cô giáo cho chúng em về biến đổi khí hậu, cách phòng tránh khi lũ lụt thiên tai kéo đến, qua đó chúng ta phải biết bảo vệ môi trường để chống thiên tai"

Bắt đầu từ năm học 2014 – 2015, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục phòng chống lụt, bão, phù hợp với từng cấp học. Học sinh được trang bị các kỹ năng xử lý tình huống khi gặp mưa bão, hỏa hoạn, bảo vệ bản thân và giúp đỡ mọi người khi gặp sự cố. Nhiều khuyến cáo đã được đưa ra giúp các em học sinh giữ an toàn trong các tình huống cụ thể có thể phát sinh trong thực tế như: tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện đã bị ngấm nước; không đứng trú mưa dưới gốc cây to, cột điện hoặc dưới các nhà cao tầng; đi trên đường ngập nước phải có gậy dò đường tránh bị tụt xuống hố ga.

 Thầy Lê Văn Thành (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Thanh Hóa) cho biết:

Thầy Lê Văn Thành (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Nhà trường có phương châm làm sao đấy để cho các em là những người đại sứ mang đến những ý nghĩa của việc phòng chống thiên tai, trước hết các em phải biết bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng trước thiên tai và giảm được đáng kể thiệt hại có thể xảy ra"

Trẻ em được xác định là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng bởi thiên tai. Vì vậy, việc giáo dục cho học sinh các kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên tai là rất cần thiết, để các em có thể chủ động bảo vệ tính mạng của mình. Đồng thời, thông qua đó, mỗi học sinh sẽ là một người làm truyền thông tích cực, góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai trong các gia đình và cộng đồng./.

Hương Quỳnh – Linh Sơn