Tăng cường kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi trong chăn nuôi nông hộ

22:05 - 28/11/2020

(TTV) - Chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ trọng tới hơn 60% ngành chăn nuôi của Thanh Hóa, song đây lại là khu vực đem lại hiệu quả kinh tế thấp và dễ gặp rủi ro về dịch bệnh. Thực tế, ở 5 huyện tái phát dịch tả lợn châu Phi vừa qua thì phần lớn ổ dịch đều xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn ít. Để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan, các hộ dân cần kiểm soát chặt chẽ khâu phòng dịch.

 

Gia trại gia đình ông Mai Văn Sỹ, thôn 2, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn.
Gia trại gia đình ông Mai Văn Sỹ, thôn 2, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn.

Lo ngại dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan cho đàn 40 con lợn thịt và 5 con lợn nái nên gia đình ông Mai Văn Sỹ, thôn 2, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn triệt để không cho người bên ngoài vào khu vực chăn nuôi. Gia đình cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn lợn.        

Trên thực tế, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số đầu con ít. Đối với các trang trại, gia trại chăn nuôi lớn, do chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch nên dịch bệnh không tái phát tại khu vực này. Do vậy, để ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi, biện pháp cấp thiết ngay lúc này là cấp ủy, chính quyền, địa phương, ngành thú y cần tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trong nông hộ kiểm soát dịch bệnh; thực hiện phun tiêu độc khử trùng, hạn chế người lạ ra vào khu vực chăn nuôi, tránh mang mầm bệnh từ nơi khác đến chuồng trại của mình. Kiểm soát tốt nguồn thức ăn, không sử dụng nguồn thức ăn thừa, chưa được nấu kỹ. Đặc biệt khi nhập đàn, tái đàn lợn phải kê khai với chính quyền địa phương, lựa chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm dịch của cơ quan thú y, tránh tư tưởng chủ quan, nghĩ chăn nuôi ít nên mua lợn giống không có nguồn gốc, kém chất lượng về nuôi. Bởi nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh tại gia đình, khi dịch xảy ra không chỉ thiệt hại cho một gia đình mà còn  ảnh hưởng lớn đến địa phương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát trong thời gian vừa qua, trong đó nguyên nhân chủ yếu là mầm bệnh vẫn còn tồn tại, chưa được xử lý dứt điểm, các hộ chưa áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Việc tái đàn trong chăn nuôi nông hộ không được kiểm soát chặt chẽ và không theo quy định...

Thời điểm từ nay đến tết Nguyên đán, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa được coi là giải pháp kiểm soát dịch tả lợn châu Phi tốt nhất mà các hộ chăn nuôi trong nông hộ, các trang trại, gia trại cần nghiêm túc chấp hành để bảo vệ an toàn cho đàn lợn trước nguy cơ tái phát, lây lan dịch bệnh./.

Bản tin Thời sự tối TTV