Tăng cường kiểm soát thực phẩm đầu vào ở các bếp ăn trường học

19:30 - 19/03/2019

(TTV) - Trên địa bàn Thanh Hóa hiện có hơn 750 bếp ăn bán trú tại các trường học. Việc tăng cường kiểm soát thực phẩm đầu vào tại các lớp bán chú là nhiệm vụ rất quan trọng của các nhà trường nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe cho học sinh.

Hàng ngày, đại diện Ban giám hiệu, nhà bếp, công ty cung ứng và phụ huynh học sinh của trường Tiểu học Lê Thế Long, huyện Đông Sơn sẽ cùng tham gia giao nhận, kiểm tra thực phẩm trước khi nhập kho, chế biến bữa ăn bán trú cho học sinh. Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, nhà trường vẫn có món thịt lợn trng thực đơn do có hợp đồng cung ứng với nhà chăn nuôi.  

Hiện nay hầu hết các bếp ăn tại các trường học đều chấp hành nghiêm các quy định về ký hợp đồng cung ứng thực phẩm đầu vào cho bếp ăn, kiểm tra, lưu mẫu hàng ngày..Tuy nhiên, việc kiểm tra thực phẩm đầu vào ở các bếp ăn trường học hiện  chủ yếu vẫn bằng mắt thường và kinh nghiệm chứ chưa có máy móc thiết bị xét nghiệm, rất khó phát hiện thực phẩm nhiễm bệnh. Thực hiện nghiêm việc ký cam kết cung ứng sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp nhân rõ ràng sẽ giúp các nhà trường kiểm soát tốt hơn chất lượng thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm thịt lợn.

Mặc dù thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở giáo dục, nhưng trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh. Do vậy, việc kiểm tra, kiểm soát thực phẩm đầu vào của các bếp ăn trường học trên địa bàn tỉnh rất cần ý thức tự giác, trách nhiệm của các nhà trường, đơn vị cung ứng, vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Lan Anh – Minh Tâm