Tăng phí, có tăng chất lượng dịch vụ y tế?

17:07 - 16/12/2018

Liệu tăng phí có tăng chất lượng dịch vụ y tế hay không? Đó là điều được nhiều chuyên gia y tế, bảo hiểm xã hội và người dân quan tâm.

 

Phí dịch vụ bệnh viện tăng đồng nghĩa với việc người bệnh phải gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ, đặc biệt đối với người bệnh nặng điều trị dài ngày - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phí dịch vụ bệnh viện tăng đồng nghĩa với việc người bệnh phải gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ, đặc biệt đối với người bệnh nặng điều trị dài ngày - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thông tư 39 của Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 15-1-2019 quy định các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công như tiền khám bệnh, phẫu thuật, tiền giường bệnh... sẽ tăng khoảng 10%. Theo giải thích của Bộ nguyên nhân tăng viện phí là do lương cơ bản tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng.

Dưới đây là một số ý kiến xung quanh quy định này.

Phải điều chỉnh cách chi trả

Tôi thấy việc tăng phí này là tất yếu, theo lộ trình buộc phải tăng vì hiện tại mức phí dịch vụ y tế ở nước ta quá thấp. Xu hướng nước ta đang đi hiện nay là đúng, tức là tăng cường người dân tham gia bảo hiểm y tế để họ được hưởng cơ chế hỗ trợ chi trả.

Ở nhiều nước trên thế giới, chi phí bệnh viện rất đắt đỏ nhưng người bệnh không phải thanh toán trực tiếp mà thông qua quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phúc lợi xã hội và một số loại bảo hiểm y tế công, tư... Tức là người bệnh được chi trả hộ một phần từ nguồn kinh phí của Nhà nước.

Trong khi ở nước ta, dù có cải tiến, chính sách xã hội đang buộc người dân phải chi trả trực tiếp quá nhiều và bệnh viện đang phải gánh chịu điều này. Tôi cho rằng phải thay đổi chính sách chứ không thể bắt bệnh viện phải giảm chi phí dịch vụ.

Nếu nhìn lại khoảng vài năm gần đây, chúng ta thấy rằng chất lượng dịch vụ ở các bệnh viện đều được cải thiện từ máy móc thiết bị phẫu thuật, kỹ thuật điều trị, thuốc men, trình độ... Và nguồn lực để cải thiện điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào việc tăng viện phí.

Bởi vậy việc tăng 10% chi phí dịch vụ y tế là khoản thu rất nhỏ so với chi phí vận hành bệnh viện. Đây được xem là một nguồn lực để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế chứ không thể làm thay đổi dịch vụ của bệnh viện một sớm một chiều. Muốn việc tăng phí tỉ lệ thuận với tăng chất lượng bệnh viện, tôi cho rằng Nhà nước phải có chính sách tăng quỹ bảo hiểm y tế, đồng thời cải thiện mức thu nhập của người dân.

THS.BS HỒ MẠNH TƯỜNG