Tập trung phòng trừ bệnh khảm lá sắn phát sinh gây hại

21:11 - 16/04/2021

(TTV) - Hiện nay, bệnh khảm lá sắn đang gây hại mạnh tại các huyện trồng sắn trên địa bàn Thanh Hóa. Ngành Nông nghiệp, cũng như các địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá sắn gây ra.

 

Niên vụ sắn năm nay, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc trồng trên 500 ha sắn. Dù chưa phát sinh bệnh trên cây sắn nhưng xã Nguyệt Ấn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tuyên truyền, tập huấn cho người dân cách nhận biết bệnh khảm lá sắn, cũng như các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Tại xã Xuân Khang, huyện Như Thanh, niên vụ sắn năm nay toàn xã trồng được trên 1.000 ha sắn. Song đến thời điểm này, trên 90% diện tích sắn của xã đã bị nhiễm bệnh khảm lá, trong đó có khoảng trên 200 ha sắn bị nhiễm bệnh nặng. Xã đã tuyên truyền hướng dẫn người dân nhổ bỏ hoàn toàn diện tích sắn bị nhiễm bệnh nặng xã chuyển sang cây trồng khác. Đối với diện tích sắn nhiễm nhẹ hướng dẫn người dân chăm sóc và phun phòng kịp thời.

trên 90% diện tích sắn của xã đã bị nhiễm bệnh khảm lá
Trên 90% diện tích sắn của xã Xuân Khang, huyện Như Thanh bị nhiễm bệnh khảm lá

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, niên vụ 2021 – 2022, Thanh Hóa trồng được trên 10.300 ha sắn, đạt gần 77% kế hoạch. Bệnh khảm lá sắn đã phát sinh gây hại tại huyện Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc với diện tích trên 1.100 ha. Tỷ lệ bệnh trên cây sắn phổ biến từ 5 đến 10%, có nơi cao 30%, cục bộ từ 80 đến 100%. Trong khi đó, bọ phấn trắng lứa 2 đã phát sinh, mật độ phổ biến đạt 5 con/m2, có nơi cao đạt 10 con/m2, cục bộ có nới đạt 30 con/m2.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần giám sát, nắm bắt kịp thời tình hình bệnh khảm lá sắn để thực hiện biện pháp phòng trừ.  Khuyến cáo các địa phương có diện tích sắn chưa trồng hết nên chuyển đổi sang các cây trồng khác; diện tích sắn có tỷ lệ bệnh bị nhiễm dưới 70% thì nhổ bỏ cây bị bệnh, thu gom, đốt và trồng dặm lại bằng những giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh. Đối với các ruộng sắn có tỷ lệ bệnh trên 70% thì nhổ bỏ toàn bộ ruộng và chuyển sang trồng cây khác ít nhất trong một vụ để cắt nguồn bệnh./.

Bản tin thời sự tối ngày 16.4-TTV