Tập trung triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả dự án ứng phó với biến đổi khí hậu

15:44 - 26/09/2018

(TTV)- Phát biểu tại hội nghị thực hiện dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ quí 4 năm 2018 vào chiểu nay 26.9, đồng chí Nguyễn Đức Quyền – Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương liên quan cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có quả chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

9 tháng đầu năm 2018, được sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”, trong số 1.195 hộ gia đình ở 4 huyện của Thanh Hoá là Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Nga Sơn và Tĩnh Gia đã có 235 hộ gia đình hoàn thiện xây dựng nhà chống chịu bão, lụt. 

Đến hết tháng 6.2018, toàn bộ dự án đã giải ngân được 2,5 triệu đô la. Ở các huyện ven biển của tỉnh, với sự hỗ trợ của dự án đã trồng bổ sung được 300 ha rừng ngập mặn, đang khẩn trương khảo sát để xây dựng kế hoạch phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn trên các diện tích nuôi ngao kém hiệu quả. Ban quản lý dự án cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều buổi tập huấn nâng cao khả năng chống chịu, ứng phó với biển đổi khí hậu và quản lý thông tin dữ liệu rủi do, thiên tai. Trong những tháng còn lại của năm 2018, hội nghị đã thảo luận và thống nhất sẽ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để giải ngân giúp các hộ gia đình xây nhà tránh bão, lũ theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra, tập trung kiểm tra thực tế để lập dự toán triển khai trồng rừng ngập mặn trên diện tích 100ha. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Quyền – Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh khẳng định hiệu quả của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” là hết sức quan trọng và có ý nghĩa. 

Tại Thanh Hoá, dự án đã và đang hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó, trọng tâm là hỗ trợ các hộ dân ở 4 địa phương ven biển nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở những vùng thường xuyên bị thiên tai, tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn. Triển khai dự án đã góp phần làm tăng chức năng phòng hộ chắn sóng, hấp thụ khí carbon để giảm phát thải khí nhà kính và đa dạng sinh học. Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, theo đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền, thời gian tới rất cần các địa phương nhanh chóng chỉ đạo các phòng, ban liên quan khảo sát, hoàn thiện các điều kiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà tránh bão, tăng cường thiết lập, lắp đặt các thiết bị hiện đại và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hệ thống thông tin chống rủi ro thiên tai và rủi ro khí hậu, đẩy nhanh tiến độ trồng, củng cố vùng đệm rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển.

Thanh Hường- Quỳnh Anh