Thanh Hóa nỗ lực đáp ứng nhu cầu về máu trong cấp cứu và điều trị

03:12 - 11/07/2018

(TTV) - Mỗi năm, tỉnh Thanh Hóa cần khoảng 70 nghìn đơn vị máu cho việc cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, lượng máu thu được từ phong trào hiến máu tình nguyện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Thực tế này đòi hỏi các ngành, địa phương, đơn vị và mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Với quy mô 1200 giường bệnh, trung bình mỗi tuần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần khoảng 1 nghìn đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị. Vào những dịp lễ Tết nhu cầu về máu càng tăng cao.

Thầy thuốc ưu tú – Bác sĩ CKII Tô Hoài Phương (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: "Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát triển nhiều kỹ thuật mới, điều trị nhiều bệnh hiếm, bệnh khó, triển khai phẫu thuật tim hở, ghép thận, điều trị các bệnh về máu. Mỗi năm cần khoảng 30 nghìn đơn vị máu. Mong rằng đông đảo nhân dân tích cực ủng hộ chương trình hiến máu tình nguyện"

Để có đủ lượng máu phục vụ cấp cứu và điều trị cho người bệnh, nhất là những đợt cao điểm, ban Chỉ đạo  vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị và các ngành, tuyên truyền, tổ chức các Ngày hội hiến máu tình nguyện. Các hoạt động “Lễ hội xuân hồng”, “Giọt hồng blouse”, “Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt”....luôn nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân.

 

 

Năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức được 44 đợt hiến máu, tiếp nhận trên 20.000 đơn vị máu, tăng 20% so với chỉ tiêu trung ương giao. 6 tháng đầu năm 2018, các địa phương, đơn vị đã tổ chức 21 đợt hiến máu và đã tiếp nhận được hơn 8.600 đơn vị máu.

Bác sĩ CKII Nguyễn Huy Thạch (Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết:  "Các túi máu lấy về, chúng tôi sàng lọc trên hệ thống hóa phát quang tự động hiện đại nhất hiện nay để loại các đơn vị máu bị nhiễm trùng để đảm bảo cho người bệnh. Lượng máu lấy về lớn nhưng lượng máu hủy sau khi xét nghiệm cũng khá lớn, khoảng 4% trong tổng đơn vị máu lấy về "
Bác sĩ CKII Nguyễn Huy Thạch (Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: "Các túi máu lấy về, chúng tôi sàng lọc trên hệ thống hóa phát quang tự động hiện đại nhất hiện nay để loại các đơn vị máu bị nhiễm trùng để đảm bảo cho người bệnh. Lượng máu lấy về lớn nhưng lượng máu hủy sau khi xét nghiệm cũng khá lớn, khoảng 4% trong tổng đơn vị máu lấy về"

Dù số lượng người đăng ký tham gia hiến máu và số lượng máu thu được đều tăng cao qua các năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, thời gian tới, các ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, để phong trào ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, thực hiện được mục đích nhân đạo lớn lao: “Mỗi giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”

Cẩm Tú – Quốc An