Thanh Hóa: Phát triển làng nghề du lịch còn nhiều khó khăn

11:20 - 14/05/2021

(TTV) - Thanh Hóa hiện có nhiều làng nghề truyền thống được duy trì, phát triển từ xa xưa đến ngày nay. Cùng với chức năng làm ra sản phẩm phục vụ đời sống, các làng nghề còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống thông qua các phong tục, tập quán và lễ hội. Ở một số tỉnh thành, nhiều làng nghề đã được xây dựng thành điểm đến du lịch lý thú. Tuy nhiên tại Thanh Hóa, loại hình du lịch làng nghề vẫn chưa được phát huy.

nghề đúc đồng truyền thống ở làng Trà Đông, ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa
Làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông, ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa có trên 155 làng nghề, nghề truyền thống trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, với trên 30.000 cơ sở sản xuất. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời, nổi tiếng khắp cả nước, như làng nghề mộc Đạt Tài huyện Hoằng Hóa, nghề dệt nhiễu Hồng Đô, nghề đúc đồng truyền thống Chè Đông huyện Thiệu Hóa, nghề dệt chiếu huyện Nga Sơn… Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định số 3136 phê duyệt Quy hoạch 75 điểm du lịch làng nghề. Phát triển du lịch làng nghề vừa tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, vừa gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên thực trạng phát triển du lịch làng nghề hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. 

Làng nghề truyền thống sản xuất bánh gai Tứ Trụ, huyện Thọ Xuân
Làng nghề truyền thống sản xuất bánh gai Tứ Trụ, huyện Thọ Xuân.

Các làng nghề hầu hết mới chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ, sản xuất trong phạm vi gia đình, chưa mở rộng ra bên ngoài, chính vì vậy khách du lịch ít có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm các sản phẩm làng nghề. Cùng với đó, phần lớn các hộ sản xuất chỉ quan tâm đến thị trường tiêu dùng thuần túy, chưa đi sâu nghiên cứu, sáng tạo dòng  sản phẩm “quà tặng du lịch”, chưa chú trọng xây dựng không gian trình diễn nghề và trưng bày sản phẩm phù hợp để thu hút du khách  đến tham quan. Hơn nữa, làng nghề truyền thống của tỉnh chưa thực sự phát triển, số lao động làm nghề ít, nhiều nơi người dân chưa thực sự sống được bằng nghề mà phải đan xen các nghề khác. Không khí làm nghề trong một số làng trầm lắng, không tạo được cảm hứng cho khách du lịch. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống  điện nước, vệ sinh môi trường ở một số nơi gặp khó khăn. Các làng nghề chưa được đầu tư nhiều để mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm, chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Vì vậy, sự đầu tư của làng nghề cho việc phát triển du lịch cũng chưa có, sản phẩm đơn điệu, nhỏ lẻ và kém hấp dẫn. Mặt khác, việc kết nối giữa làng nghề truyền thống với các đơn vị du lịch lữ hành còn hạn chế, chưa xây dựng tour du lịch làng nghề. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Làng nghề Đá mỹ nghệ, xã Đông Hưng (nay là phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa)
Làng nghề Đá mỹ nghệ, phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa.

Để các làng nghề truyền thống phát triển, cần có các chính sách hỗ trợ trong việc quy hoạch và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, các làng nghề cần phải cải tiến mẫu mã, ngoài dòng sản phẩm phục vụ đời sống cần phải tạo ra những sản phẩm phục vụ du lịch; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường đầu ra. Tỉnh cần lựa chọn một số làng nghề có lợi thế về cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của đất và người Thanh Hóa để quảng bá, giới thiệu, tạo thành điểm đến trong các tour du lịch. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành để họ tích cực, chủ động khai thác các làng nghề, đưa vào xây dựng lịch trình tour cho du khách. Có như vậy, các làng nghề truyền thống mới tồn tại và phát triển ổn định, bền vững.

Theo CM Phát triển du lịch ngày 12/5/2021