Thanh Hóa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

23:41 - 13/05/2022

(TTV) - Hướng tới mục tiêu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số; ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học.

 

Phòng học mô phỏng - thuộc khoa Điện, trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa
Phòng học mô phỏng - thuộc khoa Điện, trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa

Được đầu tư từ Dự án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh của tỉnh Thanh Hóa, sau một thời gian đưa vào sử dụng, Phòng học mô phỏng - thuộc khoa Điện, trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã phát huy tốt chức năng, hỗ trợ hiệu quả quá trình dạy và học của giảng viên, sinh viên trong khoa. Với các thiết bị thông minh, giảng viên có thể số hóa bài giảng, mô phỏng những kiến thức về điện trên máy tính, giúp sinh viên dễ hiểu, dễ tiếp thu và rèn luyện kỹ năng quan sát, thực hành mô phỏng, lập trình…

 Sinh viên Nguyễn Huy Sơn, khoa Điện, trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa chia sẻ: “Phòng học này giúp chúng em học tập hiệu quả hơn, dễ hiểu, dễ nhớ kiên thức và có thể truy cập, xem lại bài giảng”. Giảng viên Nguyễn Văn Chuyền, Trưởng khoa Điện, trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cũng cho biết: Phòng học này giúp các em được tiếp cận với những kiến thức về điện một cách cụ thể nhất, gần gũi với thực tế. Sau khi ra trường, các em tiếp cận công việc rất nhanh, hiệu quả.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang được các cơ sở giáo dục, nhất là ở các trường Đại học, Cao đẳng... triển khai trên nhiều lĩnh vực: từ quản lý, đào tạo, giảng dạy đến nghiên cứu khoa học, tuyển sinh... 

Là một trong những cơ sở giáo dục sớm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Trường Đại học Hồng Đức đã có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng mạng tương đối đồng bộ; hỗ trợ hiệu quả cho giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học. Trường cũng đã số hóa nhiều học liệu của tất cả các ngành đào tạo, xây dựng thư viện số với danh mục hàng nghìn đầu sách, tài liệu điện tử. Trong lĩnh vực quản lý, hệ thống phần mềm quản trị giúp trường quản lý hiệu quả hoạt động chuyên môn của giảng viên; tiến trình, kết quả học tập của sinh viên và nhiều hoạt động khác. Hệ thống quản trị của nhà trường cũng cho phép phụ huynh cũng có thể truy cập, tra cứu kết quả học tập, rèn luyện của con em mình.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hướng tới trường ĐH thông minh, trường đã tập trung tăng cường các điều kiện đảm bảo ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong dạy và học; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, huy động các nguồn lực để tập trung phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng thông tin cho chuyển đổi số.

Đến nay, 100% các trường THPT, Phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử; hơn 80% trường học sử dụng phần mềm quản lý nhà trường; hơn 1.400 trường học sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy và thi trực tuyến. Các phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ điểm danh thông minh, các ứng dụng dành cho cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh trên nền tảng Internet cũng đang được triển khai. Đây là những nền tảng quan trọng để các cơ sở giáo dục đổi mới, nâng cao hiệu quản lý và chất lượng dạy, học; đồng thời thích ứng linh hoạt trong những thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Thầy giáo Dương Minh Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cù Chính Lan, thành phố Thanh Hóa cho biết: Công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, trường đã dạy học trực tuyến, kết hợp trực tiếp. Mặc dù thời gian học trực tuyến chiếm tới 40% thời gian của năm học nhưng chất lượng giáo dục của nhà trường vẫn được đảm bảo.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn; nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chính là do cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng mạng, trang thiết bị phục vụ số hóa dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu... Đây là những vấn đề đặt ra cho ngành Giáo dục nói riêng, các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội nói chung. Giải quyết những hạn chế này sẽ là điều kiện quan trọng để ngành giáo dục đạt mục tiêu đến năm 2025, có 20% số trường áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh; 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến; góp phần xây dựng triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, của quốc gia.

Theo Bản tin Thời sự tối/TTV