Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2018: Nhiều đột phá trên các lĩnh vực

20:34 - 26/09/2018

(TTV) - Năm 2018 được xác định là năm có ý nghĩa bản lề đối với việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2015 – 2020 của tỉnh. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Thanh Hóa đã đặt ra các chỉ tiêu rất cao, với quyết tâm tạo đột phá trên các lĩnh vực, tạo đà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra. Quyết tâm đó được thể hiện ngay trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện vụ, chuyển hóa thành những kết quả mà tỉnh đạt được trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - văn hóa xã hội – quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm 2018.

 

Nhìn một cách tổng thể, bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2018 có nhiều điểm sáng và những thuận lợi cơ bản. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện rõ nét. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh  đã được thể chế hóa và đi vào cuộc sống. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Hầu hết các ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã cắt giảm trung bình 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; hoạt động của trung tâm hành chính công dần đi vào nền nếp. Trong tháng 5/2018, Nhà máy Lọc hóa dầu và Nhà máy sản xuất dầu ăn trong KKT Nghi Sơn đã có sản phẩm và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo động lực kích thích các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát triển theo.

Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu cơ bản có bước đột phá so với cùng kỳ năm 2017 và nhiều năm trở lại đây. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn  9 tháng ước đạt 12,36%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Trong đó, nông – lâm – thủy sản tăng 1,95%, công nghiệp – xây dựng tăng 14,33%, dịch  vụ tăng 7,32%, thu ngân sách nhà nước đạt 13.351 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng, toàn tỉnh thành lập mới 1.822 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước; tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 68.330 tỷ đồng.  Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh; tỉnh đã tổ chức thành công đoàn công tác cấp cao sang thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại Cô Oét; lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để vận động đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao đạt được kết quả ấn tượng tại các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, thực hiện đồng bộ trên các mặt: chính trị tư tưởng, tổ chức, kiểm tra giám sát, dân vận và nội chính. Hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục có đổi mới tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Theo dự báo, trong số 27 chỉ tiêu chủ yếu năm 2018 theo Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngoài 1 chỉ tiêu về xây dựng Đảng chưa đánh giá, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 17 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, 1 chỉ tiêu khó hoàn thành kế hoạch. 

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2018 đã tạo động lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2018, xây dựng các mục tiêu năm 2019 cũng như giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ.

Thuận lợi và kết quả đạt được là cơ bản, song 9 tháng qua, tỉnh Thanh Hóa cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã chịu ảnh hưởng của 15 trận thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước hơn 2.800 tỷ đồng, làm 38 người chết và mất tích, 11 người bị thương, 362 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 59 điểm trường bị hư hỏng, hơn 30 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Bên cạnh đó, một số hạn chế, yếu kém xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, trong đó có những hạn chế yếu kém kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục dứt điểm, đã trở thành thách thức và tạo lực cản đối với sự phát triển của tỉnh. Trong các phiên họp tháng 9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng tăng trưởng nhìn chung còn thấp, năng suất lao động của tỉnh Thanh Hóa mới chỉ bằng 63% bình quân chung cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tuy tăng cao, nhưng phụ thuộc lớn vào sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong khi hầu hết các loại sản phẩm công nghiệp truyền thống của tỉnh tăng trưởng thấp do khó khăn về thị trường, công nghệ dần lạc hậu, công suất đã tới hạn không thể tăng thêm. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm, tỷ lệ dư ứng cao, giải phóng mặt bằng vẫn đang là một trong những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, nhiều chỉ số thành phần của chỉ số PCI xếp hạng thấp so với cả nước... Những hạn chế, yếu kém nêu trên, có nguyên nhân chủ yếu do hiệu quả, hiệu lực chỉ đạo điều hành của một số ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đây là những vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 sẽ được khai mạc vào ngày 27/9. Việc phân tích kỹ càng, thấu đáo những thuận lợi và khó khăn, những kết quả đạt được và những hạn chế yếu kém, sẽ giúp các ngành, các cấp có được cái nhìn toàn diện, khách quan về bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh trong 9 tháng đầu năm, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018 và những năm tiếp theo ./.

Đức Đồng