Thanh Hoá – Tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh

22:23 - 08/08/2020

(TTV) - Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, Thanh Hoá được xác định là tỉnh có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, dựng nước và giữ nước của dân tộc trước đây và trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước ngày nay. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, khát vọng thịnh vượng và những nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc tạo lập trong những năm gần đây, đó được coi là những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa trong thu hút đầu tư, là những yếu tố để Thanh Hóa được xác định là cực tăng trưởng mới, một trong những trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa - xã hội của khu vực và cả nước.

 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa là vùng đất "Phên dậu", "Một vùng đất căn bản", "Đất bản triều", luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ luôn xác định Thanh Hóa là địa bàn chiến lược cho công cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc và Thanh Hoá vinh dự được 4 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Với tầm nhìn của lãnh tụ thiên tài, Người đã đặt niềm tin và căn dặn “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Đây chính là động lực to lớn để Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa ra sức thi đua lao động sản xuất, huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến và xây dựng phát triển quê hương sau này.

Được xác định là cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ, là cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực Tây Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào, Thanh Hoá có mạng lưới giao thông đa dạng, phong phú, có tính mở và tính kết nối cao, với đầy đủ các loại hình: Đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không.  Trong đó, Cảng hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế, dự bị cho cảng hàng không Nội Bài. Cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu 7 vạn tấn, tương lai là 10 vạn tấn, được quy hoạch với công suất bốc dỡ lên đến 80 triệu tấn hàng hóa/năm, đã đưa khai thác vận tải container quốc tế với sự tham gia của hãng vận tải biển lớn thứ 3 trên thế giới, hứa hẹn trở thành trung tâm Logistics lớn của cả nước và khu vực.

Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh hội tụ đủ cả 3 vùng địa lý là miền núi, đồng bằng và ven biển, thuận lợi cho kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa có Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư vào khu kinh tế này.Ngoài ra, Thanh Hoá  còn có 8 Khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch và đầu tư hạ tầng, có thể phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và thương mại, dịch vụ.

Để khai thác, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế và tranh thủ tốt những thời cơ, vận hội, Thanh Hóa rất chú trọng đến công tác quy hoạch, trong đó nổi bật là quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa sẽ được thúc đẩy bởi 5 trụ cột mà tỉnh có thế mạnh nổi trội, đó là: Trung tâm chế biến - chế tạo; Trung tâm Du lịch vừa túi tiền nổi trội; Trung tâm Y tế chất lượng, vừa túi tiền hàng đầu; Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao; Thu hút đầu tư để có hệ thống cơ sở hạ tầng hợp nhất. Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều biện pháp quyết liệt để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư. Những năm gần đây, Thanh Hóa liên tục nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế lớn, với những dự án trọng điểm của quốc gia và khu vực.

Vai trò, vị trí vô cùng quan trọng và những tiềm năng, lợi thế nổi trội của Thanh Hóa đã được định vị từ xa xưa, cho đến thời đại Hồ Chí Minh lại càng được khẳng định qua những đóng góp to lớn của tỉnh đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Những tiềm tăng, lợi thế đó cũng đã được khai thác đúng hướng, phát huy hiệu quả, tạo nên những thành tựu quan trọng của tỉnh trong suốt gần 35 năm đổi mới. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của Thanh Hoá luôn đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế vươn lên đứng thứ 8 cả nước. Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa đáp ứng được mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, cũng như sự kỳ vọng của Trung ương đối với Thanh Hóa.

Do vậy, việc Bộ chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là thời cơ lớn, giúp Thanh Hóa tháo gỡ những rào cản, khơi thông được nguồn nội lực, tranh thủ tốt ngoại lực, tạo cú hích lớn để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, với mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc./.

Bản tin Thời sự tối TTV