Thanh Hóa tiến tới làm chủ được công nghệ sản xuất thương phẩm Đông trùng hạ thảo

21:53 - 15/08/2018

(TTV) - Nấm đông trùng hạ thảo được biết đến như một loại dược liệu có tác dụng rất lớn trong việc điều trị được nhiều bệnh nan y như ung thư, tim mạch. Tuy nhiên chính yêu cầu của việc nuôi trồng quá khó khăn dẫn đến loại nấm này ngày càng quý hiếm và giá cả càng trở nên đắt đỏ trên thị trường. Trước nhu cầu sử dụng loại nấm này trong y học đang tăng cao, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án "ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm nấm đông trùng hạ thảo tại tỉnh Thanh Hóa".

 

Theo nghiên cứu hiện nay, nấm đông trùng hạ thảo có quy trình nuôi dưỡng vô cùng khắt khe, vừa đòi hỏi môi trường phát triển được đảm bảo nghiêm ngặt và chính xác, vừa đòi hỏi nguồn nhân lực có tri thức cao. Tuy nhiên, tại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa, dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm nấm đông trùng hạ thảo tại Thanh Hóa” đã đưa ra được những kết quả đáng kinh ngạc.

Tiến sỹ Ngô Xuân Nghiễn (Chuyên gia công nghệ Nấm ăn/Nấm dược liệu – Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Sau gần 1 năm thực hiện dự án, Tiến sỹ Ngô Xuân Nghiễn – một chuyên gia về nấm dược liệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo cho Thanh Hóa đã về thăm tình hình thực tế của dự án tại Thanh Hóa. Với tư cách là một trong những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về nghiên cứu nấm ăn và nấm dược liệu, ông đã vô cùng hào hứng trước kết quả mà trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học Thanh Hóa đạt được từ khi tiếp nhận công nghệ đến nay.

Nấm cordyceps militaris L.ex Fr (thường được gọi là Đông trùng hạ thảo) từ lâu đã được sử dụng trong trị liệu cho bệnh nhân ung thư, hạ đường huyết, điều hòa miễn dịch và chống oxy hóa. Các hợp chất trong Đông trùng hạ thảo có tác dụng rất tốt cho tim mạch như làm tăng lượng oxy trong máu, làm giảm mỡ máu, giúp mạch máu giãn nở; đối với bệnh nhân ung thư, Đông trùng hạ thảo có các chất giúp điều hòa đường huyết, chống di căn, chống ung thư và có tác dụng chống đào thải trong cấy ghép nội tạng, tủy xương,…

Nấm đông trùng hạ thảo có giá trị rất cao trong y học. Tuy nhiên, việc nuôi trồng Đông trùng hạ thảo sao cho đảm bảo được giá trị dược liệu của nó đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật vô cùng khắt khe. Do vậy nguồn nấm đông trùng hạ thảo trên thị trường hiện có giá rất cao so với thu nhập của người dân. Trước tình hình bệnh ung thư đang ngày một gia tăng ở nước ta như hiện nay thì việc nuôi trồng loại nấm này đang là vấn đề được quan tâm.

Riêng tại Thanh Hóa, đến nay vẫn chưa có công nghệ nào được áp dụng sản xuất. Nhiều cá nhân, tập thể đã có nhu cầu sản xuất và kinh doanh sản phẩm nấm dược liệu này nhưng lại chưa có đủ điều kiện để mạnh dạn đầu tư. Thành công của dự án sẽ giúp Thanh Hóa chủ động được nguồn nấm quý này, một mặt đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe của người dân trong tỉnh, mặt khác tạo một hướng mới cho phát triển kinh tế từ sản phẩm nấm dược liệu đông trùng hạ thảo.

Trong quá trình thực hiện dự án cũng gặp phải một số khó khăn, nhưng đơn vị đã cố gắng cải thiện và bước đầu cho ra sản phẩm đạt chất lượng và có giá trị về mặt kinh tế.

Việc chăm sóc sao cho nấm đã có năng suất lại vẫn có đủ những dưỡng chất cần thiết để đạt giá trị về mặt y học thì càng không hề đơn giản. Tại trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa, quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo đều được phát triển trong phòng kỹ thuật với nhiệt độ ánh sáng được điều chỉnh chính xác cho từng giai đoạn sinh trưởng. Những cán bộ đã được dào tạo bài bản luôn giám sát kỹ lưỡng môi trường hữu cơ ở đây, đảm bảo mối trường luôn sạch, an toàn và đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, để đảm báo đông trùng hạ thảo phát triển tối ưu, thậm chí có những thiết bị phải được hoạt động 24h liên tục.

Việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo khó khăn nhất có thể nói chính là việc làm thế nào để hạn chế tỷ lệ nhiễm. Nếu bào tử loại nấm khác vô tình bay vào chúng sẽ sinh trưởng phát triển mạnh mẽ, lấn át và làm mất đi giá trinh dinh dưỡng của đông trùng hạ thảo. Trong trung tâm hiện nay còn nghiên cứu và nuôi trồng nhiều loại nấm khác, nên khu vực nuôi trồng nghiên cứu đông trùng hạ thảo luôn phải được giữ vô trùng nghiêm ngặt. Các cán bộ tham gia dự án khi ra vào các khu vực nuôi trồng khác nhau cũng phải tuân thủ đúng quy trình. Nếu không sẽ vô tình mang mầm của chủng loại nấm khác đến khu vực nuôi trồng Đông trùng hạ thảo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thực hiện dự án.

Dù những yêu cầu kỹ thuật để nuôi trồng loại nấm này rất khó khăn và nghiêm ngặt nhưng, các cán bộ là thành viên của dự án vẫn hết sức cố gắng đảm bảo mọi điều kiện cần thiết cho giống nấm đông trùng hạ thảo được phát triển trong điều kiện lý tưởng nhất.

Tuy rằng với những yêu cầu kỹ thật khắt khe thì việc sản xuất đông trùng hạ thảo trên diện rộng còn khá khó khăn. Nhưng những kết quả hiện tại cho thấy Thanh Hóa hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ sản xuất thương phẩm đông trùng hạ thảo. Việc đẩy mạnh sản xuất đông trùng hạ thảo thương phẩm một mặt sẽ đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng và chữa trị cho người dân trong tỉnh và cả nước, mặt khác góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng dược liệu phát triển, tạo thêm một cơ hội mới về sản phẩm vốn đang được ưa chuộng trên thị trường.

Khánh Linh – Xuân Tuấn