Thanh Hóa: Tín dụng vi mô hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững

08:38 - 30/11/2020

(TTV) - Thiếu vốn và các điều kiện sản xuất khiến cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực nông thôn, miền núi muốn vươn lên thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững càng khó hơn. Những năm qua, bằng nguồn tín dụng vi mô của các tổ chức tài chính vi mô tại Thanh Hóa, với các khoản vay giá trị thấp, điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi sinh sống đang phát huy hiệu quả giúp hàng nghìn phụ nữ thoát nghèo bền vững.

 

Trước đây, do làm nông nghiệp thuần túy nên cả gia đình chị Nguyễn Thị Bé, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành lúc nào cũng trong cảnh bữa trước lo bữa sau. Năm 2016, thông qua Hội liên hiệp phụ nữ xã, chị đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa nên quyết định đầu tư trồng 1 ha cây ổi. Mới đầu chỉ có 400 gốc ổi, đến nay vườn ổi của chị đã có 1.300 gốc. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình chị thu về từ 300 đến 400 triệu đồng.

Thời gian qua, Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa đã phát huy hiệu quả các dịch vụ bằng việc cung cấp vốn vay nhỏ, từ vài triệu tới vài chục triệu đồng cho 18.000 khách hàng là phụ nữ, hộ nghèo, hộ thu nhập thấp tại 19 huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh. Việc vay vốn được thực hiện theo từng nhóm đoàn kết, không thế chấp bằng tài sản, mà bằng uy tín của từng thành viên đã giúp nhiều phụ nữ nông thôn xóa nghèo bền vững, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 40.000 khách hàng vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa (MFI), Tổ chức tài chính vi mô Tình thương Thanh Hóa (TYM) trong đó có tới trên 32.000 khách hàng là nữ với tổng dư nợ trên 574 tỉ đồng. Với sự hỗ trợ từ nguồn tín dụng vi mô cùng một số nguồn hỗ trợ khác, thì sau 3 đến 4 năm, hầu hết chị em phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, trong đó nhiều chị em vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh đã vươn lên làm chủ doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động nữ khác.

Việc tham gia vào các chương trình tiết kiệm và tín dụng vi mô đã tăng phần đóng góp của phụ nữ vào thu nhập của hộ gia đình. Tăng thu nhập cũng đồng nghĩa với việc trao cho phụ nữ nhiều quyền hơn trong gia đình, tăng giá trị của bản thân, từ đó giúp họ có địa vị tốt hơn trong xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thì các tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa cần tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực tài chính, đa dạng các dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tại các khu vực, vùng sâu vùng xa.

Theo Bản tin THNM/TTV