Thanh Hoá xây dựng thành công 64 chuỗi cung ứng thuỷ sản an toàn

17:49 - 16/12/2018

(TTV) - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, 6 huyện, thành phố ven biển Thanh Hoá đã xây dựng được 64 chuỗi cung ứng thuỷ sản an toàn. Việc xây dựng thành công các chuỗi cung ứng thuỷ sản an toàn không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản bền vững, hiệu quả.

 

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia thực hiện chuỗi cung ứng thuỷ sản an toàn của huyện Quảng Xương, sau 2 năm, gia đình ông Phạm Bá Thảo ở xã Quảng Chính đã xây dựng được hơn 5 ha nuôi tôm xen cá đối mục và cua xanh.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia thực hiện chuỗi cung ứng thuỷ sản an toàn của huyện Quảng Xương, sau 2 năm, gia đình ông Phạm Bá Thảo ở xã Quảng Chính đã xây dựng được hơn 5 ha nuôi tôm xen cá đối mục và cua xanh.

Tham gia chuỗi cung ứng thuỷ sản an toàn, gia đình ông Thảo đã được các cán bộ Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thuỷ sản Thanh Hóa hướng dẫn, thực hiện đúng qui trình từ nhập giống, lựa chọn thức ăn, cho đến kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm.

Để xây dựng các chuỗi cung ứng thủy sản an toàn, thời gian qua các địa phương đã tiến hành rà soát, lựa chọn đúng các mô hình, các đối tượng để tổ chức triển khai. Đến nay, đã có 2.900 trong số gần 7 ngàn phương tiện khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản ký cam kết khai thác, bảo quản hải sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong nuôi trồng thủy sản, hơn 600 hộ tham gia chuỗi liên kết, đã áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về an toàn thực phẩm. Sản lượng tiêu thụ thông qua chuỗi hàng năm đạt gần 1.000 tấn thủy, hải sản.

Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp có nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm thủy sản. Ngư dân và người nuôi thuỷ sản được bảo đảm quyền lợi, nâng cao thu nhập từ việc nuôi trồng, khai thác. Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ, sản phẩm được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, do các cơ quan chức năng thực hiện và cung ứng đến các nhà hàng, siêu thị và người tiêu dùng.

Việc phát triển chuỗi cung ứng thủy sản đã góp phần hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 30% trở lên thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa liên kết với ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, nên kênh phân phối sản phẩm này vẫn còn qua nhiều khâu trung gian.

Với mục tiêu hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc, nâng cao uy tín sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để xây dựng thương hiệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, việc hình thành chuỗi cung ứng thuỷ sản an toàn đang là xu thế tất yếu giúp ngành thuỷ sản phát triển bền vững.

Thanh Hường – Cao Tùng