Thành phố tăng cường chấn chỉnh các bếp ăn bán trú tại các trường học

09:43 - 11/04/2024

Thời gian gần đây, dư luận nói nhiều đến vấn đề ăn bán trú tại một số trường Tiểu học trên địa bàn thành phố, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phầm cũng như khẩu phần ăn cho học sinh đúng quy định, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Phòng giáo dục và đào tạo thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong các nhà trường đang thực hiện bán trú.

Trên địa bàn thành phố hiện có 51 trường Tiểu học và 63 trường Mầm non có bán trú, trong đó có 42 trường Tiểu học và 45 trường Mầm non công lập với gần 26.000 học sinh ăn bán trú. Để chấn chỉnh công tác bán trú, hạn chế tình trạng tiêu cực trong quá trình thực hiện bán trú, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt xuống các nhà trường, đồng thời thường xuyên nhắc nhở trong các cuộc họp giao ban. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và đột xuất, hướng dẫn các nhà trường thực hiện công tác kê khai thực đơn, công khai nguyên liệu, công khai suất ăn đầy đủ định lượng đến toàn thể phụ huynh trên các bản tin nhóm zalo và các hội nghị.

Thành phố tăng cường chấn chỉnh các bếp ăn bán trú tại các trường học- Ảnh 1.

Bà Thiều Thị Duyên, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết: "Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh cũng đã có kế hoạch và quyết định phối hợp với Phòng Giáo dục tổ chức cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học, nhất là khối tiểu học, trường mầm non, thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát thực phẩm. Quá trình kiểm tra, phòng Giáo dục và Chi cục  Vệ sinh an toàn thực phẩmđã giám sát rất kỹ những công tác đảm bảo về mặt hồ sơ cũng như các điều kiện thực tế để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm".

Cùng với sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục, Ủy ban Nhân dân các phường, xã cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bán trú, đặc biệt là ở các phường nội thành, các trường có số lượng học sinh ăn bán trú đông. Qua kiểm tra đánh giá, hầu hết các nhà trường đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền phường, xã. Khẩu phần ăn được quy định đủ 5 món ăn có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết và hàng tuần thay đổi thực đơn một lần và công khai theo quy định.

Thành phố tăng cường chấn chỉnh các bếp ăn bán trú tại các trường học- Ảnh 2.

Đối với các đơn vị không ký hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn, các nhà trường bố trí một Ban Giám sát hàng ngày trực theo dõi, ghi chép đầy đủ số lượng nguyên liệu thực phẩm nhập vào, thực phẩm sử dụng để chế biến các món ăn, các thức ăn được lưu mẫu, số lượng thực đơn của học sinh ăn trong ngày, trong tuần, số lượng học sinh bị dị ứng với các thức ăn bán trú để nghiên cứu thay đổi thực đơn... Bà Ngô Việt Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết: "Thầy cô giáo cũng như các nhân viên bán trú chăm sóc để cho các con đảm bảo ăn hết suất ăn khẩu phần ăn của mình và trong từng ngày, từng buổi nhà trường sẽ chụp ảnh, quay video để gửi đến cho các bậc phụ huynh của nhà trường để phụ huynh yên tâm khi con ở bán trú".

Việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn bán trú đòi hỏi các công ty cung cấp suất ăn bán trú phải phối hợp chặt chẽ với các nhà trường và ngược lại trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng thực phẩm và đảm bảo quy trình chế biến thực phẩm, nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, an toàn cho học sinh bán trú nhằm tạo niềm tin của cha mẹ phụ huynh học sinh khi gửi con tại trường ăn bán trú.

Thành phố tăng cường chấn chỉnh các bếp ăn bán trú tại các trường học- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đức Nguyễn cho biết: "Thực phẩm đem đến các trường có một bộ phận chính quy vận chuyển và giao hàng và giao nhận giữa 3 bên cùng với các nhà trường để giám sát các quy trình, không có sai sót. Công ty Đức Nguyễn đang phối hợp với tất cả các đơn vị liên quan thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và đã tạo ra được một Hiệp hội thực phẩm để liên kết, giám sát và truy xuất nguồn gốc cùng với các hợp tác xã rau củ quả và tới đơn vị nuôi và giết mổ".

Công tác bán trú trong nhà trường luôn là mối quan tâm không chỉ của phụ huynh, học sinh mà còn là của toàn xã hội. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng thì ý thức, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em đối với mỗi nhà trường, trong đó vai trò của người đứng đầu mà Hiệu trưởng là quan trọng nhất trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo về mọi mặt pháp lý. Việc thực hiện bán trú phải đựa trên cơ sở vì quyền lợi của các em học sinh là trên hết và vì uy tín của nhà trường. Có như vậy, các bậc phụ huynh mới yên tâm khi gửi gắm con em đến trường.

Nguồn: Chuyên mục Truyền hình thành phố Thanh Hóa ngày 10/4/2024