Thế giới thận trọng trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19

20:25 - 14/02/2020

Trong tuần qua, thế giới tiếp tục chứng kiến tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (Covid-19).

Chỉ riêng tại tỉnh Hồ Bắc, trong ngày 12/2 đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đến hàng chục nghìn người, trong khi số ca tử vong mới cũng tăng mạnh. Dù ngay sau đó được khẳng định là do cách tính mới khi gộp cả những trường hợp nghi nhiễm trước đó và các trường hợp chuẩn đoán lâm sàng, song những con số này cũng đã cho thấy sự cấp thiết của việc sớm tìm ra một loại vaccine có thể ngăn chặn một trong những dịch bệnh có tốc độ lây lan chưa từng có này.

the gioi than trong truoc dien bien kho luong cua dich covid-19 hinh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters.

Covid-19 diễn biến khó lường

Ông Đồng Triều Huy, chuyên gia Nhóm chỉ đạo Trung ương, Phó Viện trưởng Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh cho biết:"Mọi người đều biết, trong công việc hàng ngày, chúng tôi đều có bước chẩn đoán lâm sàng. Bởi thông thường khi khám xét, chẩn đoán bệnh viêm phổi, tỷ lệ xác nhận nguyên nhân gây bệnh qua xét nghiệm cũng chỉ ở mức 20%-30%. Có tới 70%-80% việc xác định bệnh là thông qua chẩn đoán lâm sàng và người thực hiện chẩn đoán lâm sàng chính là các bác sĩ lâm sàng”.

Trước đó chỉ 1 ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy số ca nhiễm mới trong ngày 11/2 ở mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Tổ chức Y tế thế giới, cũng như chính phủ các nước và giới chuyên gia đã bắt đầu cho thấy sự thận trọng khi đưa ra những dự đoán.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 12/2 cho rằng, hiện còn quá sớm để dự đoán dịch bệnh đang ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa hay giai đoạn cuối: “Số lượng các trường hợp nhiễm mới tại Trung Quốc vẫn ổn định trong tuần qua. Tuy nhiên, cần thận trọng khi đưa ra bất kỳ dự báo nào, bởi dịch bệnh có thể diễn tiến theo bất kỳ hướng nào”.

Tới nay, đại đa số ca tử vong vì Covid-19 được xác nhận trên thế giới là tại Trung Quốc đại lục, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh hồi cuối năm 2019. Tuy nhiên, những ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục cũng đã được xác nhận. Sau Đặc khu hành chính Hong Kong và Philippines, ngày 13/2 đến lượt Chính phủ Nhật Bản xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên tại nước này. Khác với Đặc khu hành chính Hong Kong và Philippines là 2 trường hợp tử vong đều là công dân Trung Quốc đến từ tâm dịch Vũ Hán, trường hợp tại Nhật Bản là một cụ bà 80 tuổi và chưa hề đi du lịch nước ngoài trong thời gian qua.

Trong khi đó, tình hình vẫn diễn biến nghiêm trọng trên du tàu Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi nước này từ hôm 3/2. Trong tuần qua, hàng chục ca nhiễm mới đã được xác nhận.

Còn tại Singapore, ngày 13/2 chứng kiến mức tăng số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước tới nay, với 8 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm tại “Đảo quốc Sư tử” lên con số 58. Đáng chú ý, trong các ca nhiễm mới có một nhân viên của ngân hàng DBS và một giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore.

Trước những dự báo cho rằng dịch bệnh sẽ đạt đỉnh từ nay đến giữa hoặc cuối tháng 2 trước khi đi xuống, chuyên gia Dale Fisher, Chủ tịch Mạng lưới Cảnh báo và Ứng phó bùng phát dịch toàn cầu cảnh báo:“Với những gì chúng ta đang chứng kiến, dự báo đó có thể đúng. Tuy nhiên, dịch bệnh đã lan sang nhiều nơi khác và đang bùng phát dịch. Như tại Singapore, dịch bệnh mới chỉ bùng phát”.

Diến biến khó lường của dịch bệnh đã khiến Liên minh châu Âu lo ngại khi có tới 16 ca nhiễm bệnh tại Đức và 11 ca tại Pháp. Tại cuộc họp khẩn diễn ra hôm 13/2 tại Brussels, các Bộ trưởng y tế Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp tốt hơn nữa nhằm đối phó với dịch bệnh, cũng như ngăn ngừa nguy cơ thiếu hụt các trang thiết bị bảo hộ y tế. 

Nỗ lực tìm vaccine phòng dịch

Các nhà khoa học trên toàn thế giới đang trong cuộc chạy đua với thời gian nhằm tìm ra phương pháp hiệu quả bảo vệ con người trước dịch bệnh.

Ngay trong tuần này, các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã bắt đầu thử nghiệm trên động vật vaccine phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới, hay còn gọi là Covid-19. Đây có thể xem là một đột phá về nghiên cứu bởi mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển vaccine có thể mất vài tháng hoặc thậm chí là nhiều năm. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu ngay từ mùa hè này.

Tiến sĩ John S.Tregoning, thuộc Khoa truyền nhiễm Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết: “Để tạo ra vật liệu an toàn sinh học, bạn cần có các nhà máy chuyên ngành và cần phát triển những quy trình đó một khi biết chắc chắn đây là loại vaccine hiệu quả. Vì vậy, có thể sẽ có một chút chậm trễ về thời gian, nhưng điều quan trọng là an toàn và thực hiện đầy đủ các quy trình. Vội vàng và sử dụng vaccine không an toàn sẽ có hậu quả nghiêm trọng”.

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải cũng đang thử nghiệm các mẫu vaccine ngừa Covid-19 trên chuột. Trong khi đó các chuyên gia của Bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi tập trung điều trị các bệnh nhân Covid-19 của thành phố Vũ Hán đã phát hiện trong cơ thể của những người khỏi bệnh, đặc biệt là huyết tương có một lượng kháng thể lớn đối với virus. Hiện bệnh viện cũng đã bắt đầu truyền huyết tương cho một số bệnh nhân và đạt kết quả ban đầu khả quan.

Ông Trương Định Vũ, Giám đốc bệnh viện cho biết:“Có một số lượng lớn kháng thể ở những bệnh nhân được chữa khỏi, có thể chống lại virus. Chúng tôi kêu gọi những người đã khỏi bệnh đóng góp một phần sức lực, hiến huyết tương của các bạn để cứu giúp những người đang chiến đấu với bệnh tật”.

Khoảng 77 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến Covid-19 đã được đăng ký tại Trung Quốc kể từ ngày 23/1. Nội dung thử nghiệm rất đa dạng, từ thuốc kháng virus remdesivir của Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ) và thuốc điều trị HIV Kaletra của Công ty AbbVie (Mỹ) đến các loại thảo dược cổ truyền của Trung Quốc.

Bà Tôn Yến Vinh (Sun Yanrong), Phó giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc cho biết:"Chúng tôi tổ chức các chuyên gia có liên quan để thực hiện nhiệm vụ và tận dụng triệt để những gì đã đạt được trong nghiên cứu hiện tại. Điều quan trọng nhất là, chúng tôi đã tiến hành sàng lọc quy mô lớn giữa các loại thuốc trên thị trường và trong quá trình thử nghiệm  lâm sàng đã đạt được những tiến bộ nhất định.

Các loại thuốc được chọn sẽ được kiểm tra thông qua các thí nghiệm lâm sàng tiếp theo. Chúng tôi phải xác nhận tác dụng của thuốc đối với viêm đường hô hấp cấp tính do Covid-19 gây ra trên cơ sở an toàn”.

Theo các nhà khoa học, việc tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu trong lúc virus lan nhanh đóng vai trò quan trọng bởi nó cho phép các nhà khoa học xác định loại thuốc hiệu quả nhất. Giới chức Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình phê duyệt các cuộc thử nghiệm để bảo đảm bệnh nhân trong nước được tiếp cận nhanh chóng các loại thuốc hiện đại, thậm chí sớm hơn các nước phát triển trong một số trường hợp./.

 

Tổng hợp