Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu căn bản vùng chân đập sông Đà

15:23 - 11/12/2018

Thủ tướng yêu cầu không được để nguy cơ xảy ra và giao Tập đoàn điện lực Việt Nam chủ trì phối hợp với các nghiên cứu vùng chân đập sông Đà.

Sáng 11/12, tại Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh. 

Trước bối cảnh thiên tai bất thường, Thủ tướng giao Tập đoàn điện lực Việt Nam cùng với Hòa Bình và các bộ, ngành tiến hành nghiên cứu vùng chân đập sông Đà một cách căn bản hơn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân.

Hoà Bình là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, dân số trên 83 vạn người, có 7 dân tộc chủ yếu, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 63%. Lợi thế phát triển của Hòa Bình là nằm trong vùng Thủ đô và có tuyến cao tốc mới hoàn thành, kết nối Hà Nội và Hòa Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình.

Năm nay, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khoảng 8,4%, thu ngân sách ước đạt 3.400 tỷ đồng, mặc dù vượt kế hoạch 22% nhưng mới tự cân đối được khoảng hơn 1/3 ngân sách. Hòa Bình cũng đã thu hút được khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế năm nay, doanh thu ước đạt gần 1.400 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của Hòa Bình còn cao với gần 15%.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ gợi ý Hòa Bình cần tập trung phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tỉnh có thể phát triển công nghiệp sản xuất xi măng, song phải cân đối với quy hoạch ngành và cân đối với phát triển du lịch.

Tỉnh cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất công nghiệp phụ trợ; phát triển công nghiệp chế biến gỗ gắn với trồng rừng, trong đó cây vầu của tỉnh có sản lượng lớn thứ hai cả nước sau Thanh Hóa.

Đánh giá cao Hòa Bình đã đạt một số kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, như tăng trưởng kinh tế cao; thu nhập bình quân đầu người gần 50 triệu đồng, tiệm cận với mức bình quân chung cả nước; đã hình thành một số vùng cây có múi hàng hóa lớn,... nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỉnh mới chỉ tự chủ được 1/3 ngân sách. Trong khi là một tỉnh trong vùng Thủ đô, Hòa Bình phải nỗ lực cùng các tỉnh khác trong vùng tự cân đối được ngân sách.  

Thủ tướng cũng chỉ rõ, Hòa Bình có quy mô nền kinh tế nhỏ, thu hút đầu tư nước ngoài thấp; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thường xuyên xếp nhóm sau trong 63 tỉnh, thành phố. Doanh nghiệp Hòa Bình còn phản ánh tình trạng thanh kiểm tra phiền hà, ưu ái doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI hơn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao. Trước thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu Hòa Bình phải tận dụng lợi thế lớn để phát triển, nhất là lợi thế của vùng Thủ đô với tuyến cao tốc mới từ Hòa Lạc đi Hòa Bình, thời gian chỉ hơn một giờ đồng hồ; một chùm vệ tinh mới sẽ xuất hiện là các trung tâm giáo dục, khoa học, tạo xung lực phát triển trong thời gian tới cho Hòa Bình.

Nhấn mạnh những đặc điểm riêng có về đất đai, sông nước, nhất là văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại Hòa Bình là một thế mạnh, Thủ tướng yêu cầu tỉnh khai thác thế mạnh này, gắn với đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư để đưa Hòa Bình trở thành tỉnh du lịch thực sự.

Cùng với đó là phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch, cung ứng cho vùng Thủ đô; phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến và xuất khẩu, qua đó góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới. Hòa Bình cần tận dụng thế mạnh tài nguyên khoáng sản như các loại đá vôi, granite, nước khoáng... để phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến nhưng phải bảo vệ môi trường, không gây mâu thuẫn với phát triển du lịch.

Thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, hình thành các chuỗi sản xuất, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, trong đó có các khu vực như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu đô thị Phù Cát, khu Đại học Quốc gia, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... Thủ tướng cũng yêu cầu Hòa Bình quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai, một thế mạnh của Hòa Bình trong vùng Thủ đô.

Đặc biệt lưu ý Hòa Bình có chương trình phòng chống thiên tai, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh phối hợp với các bộ, ngành tiến hành nghiên cứu cơ bản vùng chân đập sông Đà, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong bối cảnh thời tiết cực đoan. Theo đó, phải có chương trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là vùng nguy cơ đồi ông Tượng.

Thủ tướng yêu cầu không được để nguy cơ xảy ra và giao Tập đoàn điện lực Việt Nam chủ trì phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học công nghệ nghiên cứu vùng chân đập sông Đà một cách căn bản hơn.

Trước những vấn đề về cải cách bộ máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không đặt vấn đề bỏ hay sáp nhập bất kỳ sở nào khi Thủ tướng chưa có ý kiến về đề án này.

Nhấn mạnh Hòa Bình là tỉnh rất gần Thủ đô, Thủ tướng cho rằng, Hòa Bình không nên so sánh với các tỉnh Tây Bắc khác. Thay vào đó Hòa Bình cần khai thác thế mạnh vùng Thủ đô về cả thị trường tiêu dùng, văn hóa, du lịch... Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục theo dõi sát các chỉ tiêu, quyết liệt trong tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ được giao.

Vũ Dũng/VOV