Thực hiện các giải pháp khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi

21:05 - 18/03/2019

(TTV) - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, sáng nay, 18/3, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp phòng chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

 

Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn Châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm, chưa có vaccine phòng và chống, nên tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đe doạ trực tiếp đến ngành chăn nuôi của tỉnh. Ngoài ra, công tác ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như: hình thức chăn nuôi lợn nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, vùng chăn nuôi rộng, nên khó kiểm soát nguồn lây nhiễm; địa bàn Thanh Hoá rộng, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm nên rất khó kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật; vật tư, hoá chất và nhân lực phòng chống dịch vẫn còn mỏng, thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong các thời điểm cụ thể…Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 23/02/2019 đến 12h ngày 17/3/2019, trên địa bàn Thanh Hoá, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 28 hộ thuộc 13 xã của 3 địa phương, là: Yên Định, Thiệu Hoá và thành phố Thanh Hoá; buộc phải tiêu huỷ 1.230 con lợn với tổng trọng lượng gần 63 tấn. Ngay sau khi phát sinh ổ dịch đầu tiên tại Thanh Hoá, nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để chống dịch, như: tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiên quyết, kịp thời tiêu huỷ toàn bộ số lợn của các hộ chăn nuôi có dịch bệnh; thực hiện triệt để công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; thành lập các chốt kiểm soát dịch hoạt động 24/24… Ngành Nông nghiệp cũng đang tích cực xác minh, làm rõ để tìm ra đường lây truyền chính, từ đó có các biện pháp cắt đứt lây truyền.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng: hiện nay, việc kiểm soát nguồn thức ăn chăn nuôi từ tỉnh ngoài vào Thanh Hoá đang rất khó khăn; trong khi đây có thể là một trong những nguồn lây lan dịch bệnh. Ý thức phòng chống dịch của người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vẫn chưa cao. Các hộ chăn nuôi nằm trong vùng dịch (đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lớn) không bị dịch bệnh nhưng không được tiêu thụ, trong khi đó, kinh phí để duy trì đàn lại lớn; một bộ phận người dân đang có tâm lý quay lưng lại với thịt lợn… càng khiến việc chống dịch và hỗ trợ người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền nhấn mạnh: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh rất nguy cấp, nếu không quyết tâm và quyết liệt trong hành động phòng chống, ứng phó, dịch bệnh sẽ lan rộng và khó kiểm soát. Do vậy, các ngành, các địa phương phải tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, là chống dịch như chống giặc; huy động tối đa lực lượng và vật tư cho công tác phòng, chống dịch; trong phòng chống dịch phải phát huy tinh thần sáng tạo, không trông chờ ỷ lại. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có các chỉ thị khẩn, kế hoạch ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi. Do vậy, các ngành, các địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo này, để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Lãnh đạo địa phương nào, ngành nào còn chần chừ, buông lỏng quản lý trong công tác phòng chống dịch, sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền yêu cầu ngay lập tức thành lập thêm 1 chốt kiểm dịch liên ngành trên tuyến Quốc lộ 15C trên địa bàn huyện Quan Hoá, để ngăn ngừa tối đa việc vận chuyển gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nắm lại tình hình chăn nuôi trên địa bàn để có các phương án ứng phó, xử lý thích hợp; thực hiện nghiêm quy trình xử lý ổ dịch, đảm bảo đúng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, không để phát sinh, phát tán mầm bệnh. Sở Tài nguyên Môi trường phải phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong vấn đề tiêu huỷ, tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch. Sở Tài chính phải cân đối, đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hoá chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tài chính rà soát, xem xét các khoản vay của người chăn nuôi lợn, có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ, nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn trong giai đoạn khó khăn này. Sở Công thương phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức xúc tiến, tìm và mở rộng các thị trường, hình thức tiêu thụ sản phẩm từ lợn. Các ngành, các địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được: bệnh dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người, virus sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức ở nhiệt độ 1000C. Do vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm từ lợn có nguồn gốc, xuất xứ và được nấu chín.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cũng lưu ý ngành Nông nghiệp và các địa phương: song song với công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, cần có kế hoạch và biện pháp để duy trì, tái đàn và phát triển ngành chăn nuôi lợn của tỉnh./.

Hữu Đại – Xuân Trường