Tích cực thực hiện dự án xây dựng Chính quyền điện tử và các dịch vụ thành phố thông minh

20:40 - 30/06/2020

(TTV) - Sáng ngày 30/6, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị giao ban về tiến độ thực hiện các dự án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh; tình hình thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 18-5-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ t ụ c hành chính chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang môi trường làm việc trên môi trường điện tử trong cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

 

Giai đoạn 2016 -2020, Thanh Hóa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 13 trong số 34 dự án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh; 10 dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện các hạng mục; 2 dự án đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; 2 dự án đang hoàn thiện thiết kế thi công; 13 dự án hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư…Các dự án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ thông minh trong một số lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa, xã hội, giúp làm giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; tăng tính công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thực hiện chỉ thị số 15 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý nhà nước, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tính đến ngày 22/5, tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ đúng thời gian quy định; 100% Sở, ban ngành đã thực hiện ký số cơ quan trên văn bản đi; 100% lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh đã thực hiện ký số cá nhân phục vụ phát hành văn bản điện tử của đơn vị. Các đơn vị có tỷ lệ văn bản ký số cá nhân của lãnh đạo cao như: Sở Kế hoạch và đầu tư; Xây dựng; Công thương; Thông tin và Truyền thông. Đối với UBND cấp huyện, tính đến ngày 26/6, phần lớn UBND cấp huyện đã xử lý văn bản đi, đến trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện chưa thực hiện tốt việc chuyển văn bản đến để xử lý trên môi trường mạng.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện đã sẵn sàng cho việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử vào ngày 1/7.

Thảo luận tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư đã nêu lên một số khó khăn như: việc triển khai dự án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh là vấn đề mới và khó, khó lường hết những vấn đề phát sinh, một số lĩnh vực cần chờ việc triển khai của các bộ, ngành trung ương để đảm bảo tính đồng bộ; cần chú ý yếu tố đảm bảo an toàn thông tin từ quá trình mua sắm thiết bị để đề phòng các sự cố về mất an toàn thông tin, mất dữ liệu; việc triển khai các dự án Chính quyền điện tử và dịch vụ thành phố thông minh cần đi đôi với việc chuyển đổi số để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Về việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, các đại biểu cho rằng để đảm bảo tính liên thông từ tỉnh đến xã cần thuê các đơn vị có năng lực để hỗ trợ các đơn vị thuộc cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện trong giai đoạn đầu; cần đánh giá thực trạng về hạ tầng công nhệ thông tin và thiết bị để có dự án trang cấp các thiết bị cơ bản, đảm bảo cơ sở vật chất tối thiểu cho việc thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng ở cấp huyện, cấp xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai dự án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, phối hợp với các chủ đầu tư, xây dựng báo cáo chi tiết, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến các dự án chậm tiến độ; đề xuất bổ sung một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai hiệu quả trong thực tế để triển khai rộng rãi.

Về việc thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh rà soát, đánh giá những khó khăn, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai ở cơ sở; có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở, hướng dẫn, hỗ trợ để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ, chủ trì xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của Thanh Hóa cụ thể trên từng lĩnh vực giai đoạn 2021- 2025.

Theo Bản tin Thời sư tối/TTV