Tiếp viên hàng không lây lan Covid-19 ra cộng đồng: Lỗ hổng từ việc cách ly tại nhà

14:56 - 02/12/2020

Theo các chuyên gia, tính kỷ luật của người dân chưa tốt, ý thức kém, chủ quan, lơ là khi thực hiện cách ly tại nhà đã tạo ra lỗ hổng trong công tác chống dịch Covid-19.

Ý thức kém, chủ quan lơ là của người dân

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay tình hình dịch rất phức tạp. Bệnh nhân 1342 mắc Covid-19 là trường hợp đã vi phạm quy định cách ly, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, ông cũng khẳng định, bệnh nhân này lây lan ra cộng đồng chứ không phải lây nhiễm cộng đồng.

Vì vậy, điều quan trọng là phải khoanh vùng, truy vết để xét nghiệm tất cả những người cách ly. Đồng thời cần có chế tài và hướng dẫn cụ thể cho những đối tượng cách ly tại nhà, tại nơi cư trú và phải có thông báo cụ thể cho chính quyền địa phương về trường hợp cách ly để cộng đồng cùng tham gia giám sát.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nga cũng cho rằng, tính kỷ luật của người dân chưa tốt, một số người vẫn còn ý thức kém, còn chủ quan, chính là lỗ hổng trong quản lý chống dịch Covid-19, vì vậy cần nâng cao nhận thức của người được cách ly.

Cách ly 14 ngày là vô cùng quan trọng

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam phân tích, để có kết quả xét nghiệm dương tính, cơ thể bệnh nhân phải chứa một lượng virus ở ngưỡng nhất định. Trong những ngày đầu, nồng độ virus chưa nhân lên nên kết quả xét nghiệm có thể âm tính. Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 thường tồn tại ở đường hô hấp dưới, kết hợp cơ chế cụ thể khiến kết quả xét nghiệm có thể bị sai lệch. Vì vậy, việc cách ly 14 ngày là vô cùng quan trọng. Ông Hà cũng cho rằng, cách ly tập trung hay cách ly tại nhà, nơi lưu trú đều có ưu, nhược điểm. Trong đó, ưu điểm của cách ly tập trung là giám sát, quản lý tốt. Còn cách ly tại nhà, đòi hỏi rất nhiều yếu tố.

“Cách ly tại nhà là phải giám sát người được cách ly, các quy định đối với những người ở trong khu vực có người cách ly tại nhà, vai trò của chính quyền địa phương, vai trò của các CDC địa phương giám sát trường hợp được cách ly. Những khâu ấy, chúng ta có quy định của Bộ Y tế rất rõ ràng nhưng việc thực hiện chưa được tốt nên vẫn có thể xảy ra những trường hợp vừa qua”- ông Hà cho biết.

Ông Hà cũng cho rằng, nếu đối tượng được cách ly tại nhà không thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng quy định thì phải thực hiện theo quy định chung, cách ly tập trung đủ 14 ngày, đó là điều cần thiết để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. 

Vị chuyên gia này cũng đánh giá, TPHCM cũng có thuận lợi là đã tìm ra được F0 và hiện đã giám sát toàn bộ F1, F2 để thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm. Tuy nhiên, về lâu dài, khi đón các công dân từ nước ngoài về, hoặc tiếp nhận các chuyến bay từ nước ngoài về, chúng ta cần thực hiện tốt việc cách ly, giám sát, phải thực hiện tất cả các quy định phòng chống dịch Bộ Y tế đã ban hành trước đó.

“Chúng ta vẫn phải tiếp tục xét nghiệm các đối tượng F1, F2 và phải luôn giám sát theo dõi diễn biến ngoài cộng đồng. Trong giai đoạn này, những trường hợp nào có biểu hiện viêm phổi hoặc có biểu hiện viêm đường hô hấp thì phải được tăng cường xét nghiệm”- ông Hà cho biết.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mọi người dân phải thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không nên tập trung đông người. Các địa điểm công cộng tập trung đông người tiếp tục thực hiện kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Đặc biệt, các cơ sở y tế phải giám sát chặt chẽ những người đến khám có triệu chứng cúm, sốt, tránh bỏ lọt các ca bệnh để việc ngăn chặn dịch lây ra cộng đồng đạt hiệu quả.

Minh Khánh/VOV.VN