Tín hiệu tích cực từ Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng

09:42 - 15/12/2019

Năm 2019 diện tích rừng được cấp chứng chỉ là 42.924 ha (trong đó 32.924 ha là chứng chỉ FSC, 10.000 ha được cấp theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam) đưa tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững lên 269.163 ha.

 

Nhiều địa phương và các vườn quốc gia đã hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Nhiều địa phương và các vườn quốc gia đã hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, kết quả thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở các địa phương năm 2019 như sau:

Tỉnh Lào Cai đã xây dựng và phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững; thành phố Hải Phòng phê duyệt Kế hoạch triển khai, các tỉnh còn lại đang triển khai đến các chủ rừng là tổ chức rà soát diện tích rừng và xây dựng dự toán kinh phí để Sở NN&PTNT tổng hợp báo cáo tỉnh cân đối bố trí nguồn vốn.

Có 24 công ty đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (trong đó: 19 Công ty lâm nghiệp xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và được cấp Chứng chỉ rừng của FSC với tổng diện tích 176.880,5 ha; 05 công ty xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT gồm: 03 Công ty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam và 02 Công ty Lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình).

Đã có 3 Vườn quốc gia đang triển khai lập đề cương, dự toán kinh phí xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trong đó 2 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Ba Vì, Bạch Mã), 1 Vườn của địa phương là Vườn Quốc gia Hoàng Liên, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ  đã ra Quyết định số 1288/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bằng cách thành lập Hệ thống chứng nhận rừng quốc gia về hợp tác quốc tế với Chương trình phê duyệt các quy trình chứng chỉ rừng (PEFC).

Điều này khẳng định tầm nhìn và nhận thức của chính phủ Việt Nam về Quản lý rừng bền vững (SFM) và chứng chỉ rừng hoàn toàn được kết nối thông suốt và cần thiết đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Mục đích của Chính phủ là mở rộng hơn gấp đôi diện tích rừng hiện có là 235.000 ha, tăng thêm 300.000 ha vào năm 2020, nâng tổng số diện tích lên hơn nửa triệu ha.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ