Tình trạng rối loạn thiếu hụt i - ốt đang quay trở lại

18:45 - 25/11/2020

(TTV)- Năm 2005, Việt Nam công bố đã thanh toán các rối loạn thiếu i ốt trên toàn quốc. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của mạng lưới i-ốt toàn cầu cho biết, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng nhất. Tại Thanh Hóa, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt i-ốt đang gia tăng trong những năm gần đây.

Mỗi ngày, Bệnh viện Nội tiết tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận từ 400 – 500 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh. Trong đó, có tới gần 50% bệnh nhân được xác định mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt i-ốt như: bướu cổ, suy giáp, thiểu năng trí tuệ…

Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa này thường phải điều trị kéo dài, gây gánh nặng về kinh tế cho người bệnh và xã hội; làm suy kiệt sức khỏe, giảm khả năng lao động, học tập của người bệnh.Tình trạng rối loạn thiếu i-ốt nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng.

Chương trình Phòng chống rối loạn thiếu i-ốt được triển khai từ năm 1994 đến năm 2005 tại Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Hơn 90%hộ gia đình đã được sử dụng muối i-ốt đầy đủ trong giai đoạn 2005-2006, giúp giảm mạnh tỷ lệ người mắc các bệnhdo rối loạn thiếu i-ốt. Song hiện nay, xu hướng sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm đã giảm mà thay vào đó là các loại gia vị mặn khác nhau như: nước mắm, hạt nêm… Ngoài ra, một số sai lầm trong quá trình chế biến thức ăn cũng đã làm giảm hoặc mất hàm lượng i-ốt.

Hiện có nhiều biện pháp phòng, chống thiếu hụt i-ốt, trong đó, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất là bổ sung thêm i-ốt vào bữa ăn hằng ngày bằng muối i-ốt hoặc bột canh có hàm lượng i-ốt.

Theo Thời sự 18h30 ngày 25/11/2020