Trăn trở khi Lịch sử trở thành môn học tự chọn

09:02 - 05/05/2022

(TTV)- Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó Lịch sử trở thành môn học tự chọn. Điều này thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Có nhiều ý kiến lo ngại, khi lịch sử trở thành môn học tự chọn có thể dẫn đến nguy cơ là cả một thế hệ thanh niên thiếu hiểu biết về lịch sử đất nước.

Trong nhiều năm qua, Lịch sử có thể nói bị coi như “con ghẻ” trong các môn học do phần đông học sinh thờ ơ. Minh chứng rõ nhất là kết quả thi môn học này trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của các năm.

Năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhưng chỉ có 11,52% thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Năm 2019, 70% học sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2020 là gần 47% và năm 2021 hơn 52 % học sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử. Đây cũng là môn thi có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất trong kỳ thi này. Năm 2011, kết quả thi đại học môn Lịch sử cũng “gây sốc” khi có hàng nghìn điểm 0.

Trong khi chưa có cách nào giúp học sinh yêu hơn, thiết tha hơn, nỗ lực hơn với môn Lịch sử, thì sắp tới đây, môn học này lại bị đưa vào danh sách những môn học tự chọn.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Minh Tường- Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam  (Tôi cảm thấy hơi buồn và thấy hơi lo lắng cho môn Sử của nước ta hiện nay. Bây giờ không đề cao sử học, coi sử học là môn tích hợp với môn này môn khác. Biến sử học thành môn phụ. Khiến học sinh coi thường sử học
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Minh Tường- Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: "Tôi cảm thấy hơi buồn và thấy hơi lo lắng cho môn Sử của nước ta hiện nay. Bây giờ không đề cao sử học, coi sử học là môn tích hợp với môn này môn khác. Biến sử học thành môn phụ, khiến học sinh coi thường sử học"

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng với lớp 10 năm học tới, học sinh bắt buộc phải học 5 môn học trong 3 nhóm là khoa học xã hội, nhóm khoa học tự nhiên và nhóm nghệ thuật. Trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.

Với việc được lựa chọn, nhiều người lo ngại, nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì đồng nghĩa với việc các em sẽ không được học môn học này một cách hệ thống như hiện nay. 

Cô Bùi Thị Hà- Tổ trưởng tổ bộ môn Lịch sử, trường THPT Quảng Xương 1, tỉnh Thanh Hoá:  "Ở bậc Tiểu học và THCS do lứa tuổi các em còn nhỏ, các em chưa thấm nhuần được truyền thống và lòng tự hào dân tộc. Lên THPT các em hiểu được thì lại là môn tự chọn. Với những học sinh không lựa chọn môn lịch sử thì sẽ tạo ra khoảng trống lịch sử)
Cô Bùi Thị Hà- Tổ trưởng tổ bộ môn Lịch sử, trường THPT Quảng Xương 1, tỉnh Thanh Hoá: "Ở bậc Tiểu học và THCS do lứa tuổi các em còn nhỏ, các em chưa thấm nhuần được truyền thống và lòng tự hào dân tộc. Lên THPT các em hiểu được thì lại là môn tự chọn. Với những học sinh không lựa chọn môn lịch sử thì sẽ tạo ra khoảng trống lịch sử"

Theo nhiều chuyên gia, nhà giáo dục, Lịch sử là ký ức, quên mất lịch sử là xóa đi ký ức, xóa đi quá khứ hào hùng đã hun đúc nên dân tộc ta. Sẽ thật sự nguy hại khi Lịch sử không phải là môn học bắt buộc. Trong bối cảnh văn hóa bên ngoài đang tràn vào Việt Nam, nếu chúng ta không biết mình là ai, không biết về lịch sử cội nguồn thì tương lai sẽ phải trả giá rất đắt.

Theo Hương Quỳnh – Minh Quang – Minh Tâm/THNM 05/05/2022