Trang web giả mạo – mối hiểm họa khó lường thời đại công nghệ số

20:19 - 16/05/2019

(TTV) - Theo thống kê chưa đầy đủ từ các cơ quan an ninh mạng Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đã xuất hiện hàng nghìn trang web, trang blog, facebook giả mạo cơ quan, tổ chức và cá nhân với những chiêu trò giả mạo ngày càng tinh vi. Đây được coi là một trong những nguồn phát tán các thông tin xấu, độc với tốc độ nhanh chóng nhất và khó phát hiện nhất hiện nay.

Mặc dù trang facebook giả mạo đã được lập từ năm 2016, nhưng chỉ cách đây 4 ngày, một người dân ở thành phố Thanh Hóa mới phát hiện được thông qua 1 người bạn. Tìm hiểu kỹ hơn, cô thật sự bất ngờ vì chủ nhân trang facebook giả mạo đã lợi dụng mọi thông tin, hình ảnh được đăng từ trang facebook chính thức để kết bạn với gần 4.000 người, hầu hết là nam giới và không ít người đã liên tục trò chuyện, tâm sự với trang facebook giả này mà cứ nghĩ là đang tâm sự với cô. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của cô trong đời sống thực, dẫn đến nhiều phiền toái, rắc rối khác.

cô thật sự bất ngờ vì chủ nhân trang facebook giả mạo đã lợi dụng mọi thông tin, hình ảnh được đăng từ trang facebook chính thức để kết bạn với gần 4.000 người, hầu hết là nam giới
Cô gái bất ngờ vì chủ nhân trang facebook giả mạo đã lợi dụng mọi thông tin, hình ảnh được đăng từ trang facebook chính thức của mình để kết bạn với gần 4.000 người, hầu hết là nam giới

Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức sơ khai của vấn nạn trang web giả mạo. Mỗi ngày, vẫn có hàng trăm trang web giả mạo ra đời dưới nhiều hình thức nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, và nghiêm trọng hơn, là reo rắc những thông tin bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Theo thông tin từ Bộ Công an, đến nay, cơ quan này đã phát hiện có tới gần 60 trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và lãnh đạo các ban, ngành Trung ương. Đằng sau các trang web này hầu hết là các đối tượng phản động, lợi dụng sự cả tin của người dùng mạng và uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành để lồng ghép, phát tán nhiều thông tin sai sự thật, kích động tâm lý bất an, hoang mang trong nhân dân. Và đây được coi là nguy cơ gây mất ổn định xã hội nghiêm trọng, ẩn chứa âm mưu thâm độc phủ nhận thành quả cách mạng và chống phá chế độ tại nước ta. Những hành vi này là phạm pháp và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã yêu cầu một số nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Google… gỡ bỏ gần 160 trang giả mạo cơ quan, tổ chức, xóa và chặn hàng nghìn tài khoản mạo danh. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng do các đối tượng thiết lập máy chủ tạo trang web ở nước ngoài, gây khó khăn cho công tác điều tra, theo dõi và xử phạt của cơ quan nhà nước. Do đó, để bảo vệ bản thân trước các thông tin xấu, độc được lan truyền trên các trang web giả mạo, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ các đường dẫn: mọi trang web chính thống được tạo tại Việt Nam phải do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, cuối đường dẫn phải có cấu trúc .vn và công khai mọi thông tin như người chịu trách nhiệm nội dung, giấy phép xuất bản…Riêng đối với các trang mạng xã hội, nhất thiết cần tỉnh táo và kiểm tra, so sánh lại mọi thông tin được đăng tải tại đây với các thông tin được đăng trên báo chí chính thống.

Tuyết Hạnh – Minh Quang – Văn Lộc/TTV