Triển khai gấp các giải pháp ứng phó bão số 5

16:08 - 16/09/2020

Trưa ngày 16/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn để ứng phó với bão số 5. Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự báo, chiều thứ 6 (18/9), bão số 5 sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc Thừa Thiên-Huế, giật tới cấp 13.

Toàn cảnh họp báo số 5 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 5 diễn biến khá phức tạp và tăng cấp nhanh.

"Dự báo, trong khoảng trưa và chiều thứ sáu tới (18/9), bão sẽ đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ, trọng tâm là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP. Đà Nẵng. Cường độ bão số 5 khi đổ bộ vào đất liền khoảng cấp 10, 11, giật cấp 13. Nếu vẫn tăng cấp như hiện nay khi khu vực ven bờ từ Quảng Bình đến TP. Đà Nẵng có thể có gió  cấp 12", ông Khiêm nhận định.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 10h ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 117,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây-tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm với sức gió cấp 9-10, giật cấp 12.

Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây-tây bắc, mỗi giờ đi được 20 km và có khả năng mạnh thêm. Dự kiến 7h ngày 18/9 sức gió cấp 11-12, giật cấp 14 tại vùng biển Quảng Trị - Quảng Nam.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với sức gió cấp 10-11, giật cấp 13. Rủi ro thiên tai cấp 4 tại Quảng Bình – Đà Nẵng.

 

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cũng theo ông Khiêm, do bão số 5 tăng cấp nhanh nên có khả năng gây ra mưa lớn trên diện rộng. Từ chiều 17/9 đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300 mm/đợt, có nơi trên 400 mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150 mm/đợt.

Theo ông Trần Quang Hoài, trước diễn biến phức tạp của bão số 5, các giải pháp cấp bách trước mắt là thông báo, kiểm đếm tàu thuyền, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Điều đáng lo ngại là, theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), khu vực Bắc Trung Bộ vẫn còn 98.538 ha lúa mùa chưa thu hoạch, trong đó Thanh Hóa 70.000 ha, Nghệ An 26.000 ha, Hà Tĩnh 530 ha, Quảng Trị 1.915 ha, Thừa Thiên-Huế 93 ha.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 10h ngày 16/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện/ 285.384 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại 04 tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng, đã thông báo, kiểm đếm 12.181 phương tiện/ 48.884 người.

Về tình hình hồ chứa, các hồ thủy điện từ Thanh Hóa đến Quảng Nam (37 hồ) đang vận hành bình thường, mực nước ở mức thấp, nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết và không xả tràn. Hiện có 55 hồ hư hỏng cần lưu ý. Đê biển khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có 99 vị trí xung yếu cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương, ngành chức năng triển khai gấp một số giải pháp: Theo dõi, khẩn trương kiểm soát đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm; đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu (… vị trí) hoặc đang thi công (… công trình).

Sẵn sàng tiêu úng cho diện tích lúa Mùa 98.538 ha nhất là Thanh Hóa: 70.000ha, Nghệ An 26.000 ha.

Sẵn sàng sơ tán dân khu vực nguy hiểm ven biển, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhất là khách du lịch, dự kiến phải sơ tán 100.000 hộ dân với trên 500.000 nhân khẩu.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa (55 hồ hư hỏng cần lưu ý, 41 hồ đang thi công) và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Đỗ Hương/Baochinhphu.vn