Triển lãm trực tuyến: Cách tiếp cận người yêu nghệ thuật trong mùa dịch

11:07 - 13/10/2021

Triển lãm trực tuyến đang là xu hướng chung của cả thế giới bởi khả năng tiếp cận công chúng rộng rãi. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần 2 năm qua, rất nhiều hoạt động văn hóa bị ngưng trệ. Tại nước ta, nhiều đơn vị cũng đã thực hiện nhiều triển lãm trực tuyến có chất lượng.

 

Triển lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại”. Ảnh: CMH
Triển lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại”. Ảnh: CMH

Nhiều triển lãm thu hút

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2021), Thư viện Hà Nội tổ chức triển lãm sách trực tuyến giới thiệu hơn 500 tư liệu, sách báo nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về đường lối lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và những giá trị về truyền thống lịch sử, văn hiến, anh hùng ngàn năm của Thủ đô Hà Nội.

Triển lãm sách trực tuyến do Thư viện Hà Nội thực hiện giới thiệu hơn 500 tư liệu với 5 nội dung chính: “Đường lối lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp”; “Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến”; “Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam”, “Thủ đô Hà Nội - Vinh quang ngày trở về”; và “Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố Vì hòa bình”.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị lớn đi tiên phong trong tổ chức triển lãm trực tuyến với nhiều hoạt động thường xuyên kể từ năm 2020. Nhiều triển lãm online đã được tổ chức tại Bảo tàng như triển lãm giới thiệu Chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ (dịp 30.4.2020), triển lãm “Mạch nối” nhân dịp kỷ niệm 55 ngày thành lập Bảo tàng (24.6.2021) hay mới đây nhất là triển lãm mỹ thuật “Con đường độc lập” nhân kỷ niệm Quốc khánh 2.9.

Tại khu vực phía Nam, Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức triển lãm trực tuyến, chủ đề “Sắc màu bình yên” với sự góp mặt của 63 nghệ sĩ là các họa sĩ, nhà điêu khắc cùng 103 tác phẩm tranh, tượng đặc sắc. Rất đông người xem đã vào truy cập để xem triển lãm tại nhà từ 20.9 trong một không gian mỹ thuật được thiết kế sinh động.

Còn tại miền Trung, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trở thành đơn vị tiên phong thực hiện triển lãm online tại Đà Nẵng. Từ tháng 9.2020, giữa lúc TP.Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 bùng phát, bảo tàng này đã tạo chú ý khi thực hiện triển lãm online với chủ đề “Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ”. Với kinh nghiệm này, cuối tháng 5.2021, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chuyển hướng từ triển lãm trực quan các tác phẩm tranh thiếu nhi “Đà Nẵng - Thành phố em yêu” sang triển lãm trực tuyến. Một đoạn phim do chính các cán bộ bảo tàng quay, chụp, dựng được đưa lên mạng.

Các triển lãm online điển hình thu hút được sự quan tâm của dư luận như chuỗi sự kiện kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, kỷ niệm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm online như “Vị tướng huyền thoại”, “Con đường độc lập”... Đặc biệt, triển lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và IV (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ).

Triển lãm online cũng chỉ là giải pháp tình thế

Trong giãn cách xã hội khó tập trung đông người xem, một số nhà tổ chức đã chuyển từ hoạt động trực tiếp sang triển lãm trực tuyến. Ban đầu chỉ là giải pháp tình thế, chưa thực sự hấp dẫn người xem nhưng qua một vài chương trình đã cho thấy đây là xu hướng tất yếu trong mùa dịch. Các triển lãm, sự kiện nghệ thuật thường được tổ chức trên nền tảng mạng xã hội, thông qua Facebook cá nhân, Fanpage của các đơn vị tổ chức.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức triển lãm online cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi trên thực tế, các họa sĩ và công chúng vẫn mong muốn được cảm nhận trực tiếp, tận mắt ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật,....

Trao đổi với Lao Động, họa sĩ Mai Đại Lưu cho biết, do ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới nên xu hướng triển lãm online bằng công nghệ mới trong nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, thủ công mỹ nghệ... xuất hiện nhiều và đa dạng, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức ở nhiều quốc gia dưới hình thức không gian ảo 3D, 4D...

Tác phẩm chỉ là ảnh số không phải là tác phẩm vật lý, không có sự tương tác cũng như đối thoại giữa người xem. Đặc biệt là đối với những tác phẩm sắp đặt, điêu khắc hay đối với những tác phẩm hội họa kích thước lớn, tạo chất bề mặt dày, nhiều hoạ tiết lẫn chi tiết nhỏ... Để thực hiện được 1 triển lãm online có quy mô lớn, hấp dẫn đòi hỏi các nhà tổ chức phải có một kế hoạch và chuẩn bị thật tốt về mọi mặt như việc tuyển chọn nghệ sĩ, giám tuyển cũng như tác phẩm trưng bày trong triển lãm online...

Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, triển lãm online có nhiều tiện ích nhưng cũng có những bất cập riêng. Dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống, khiến mọi hoạt động văn hoá gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng không phải là đơn vị chuyên nghiệp về mặt truyền thông nên bảo tàng phải nỗ lực tìm tòi kết nối với công chúng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá của người dân. Vì thế Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cố gắng linh động nhiều hình thức tiếp cận công chúng, trong đó triển lãm online là một sự lựa chọn đầu tiên.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cố gắng tìm cách thực hiện để chương trình hấp dẫn trên nền tảng trực tuyến. Bởi trong thời công nghệ số, mọi người chủ yếu tương tác trên không gian mạng nên nếu thuận lợi, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ đưa những chương trình chất lượng đến với công chúng. Bà Nguyễn Thị Trinh cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới thì Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình, hướng đi để duy trì kết nối trực tuyến với khách, vì đây là điều cần thiết với hoạt động của bảo tàng. 

Theo Báo Lao động