Trung Quốc "cấm cửa" hai học giả Australia

15:14 - 24/09/2020

Hai học giả Australia bị Trung Quốc cấm nhập cảnh trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng căng thẳng.

Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 24/9 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết 2 công dân Australia gồm Clive Hamilton và Alex Joske đã bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc theo luật nhập cảnh và xuất cảnh của nước này.

Hai học giả Australia Alex Joske (trái) and Clive Hamilton (Ảnh: SCMP)
Hai học giả Australia Alex Joske (trái) and Clive Hamilton (Ảnh: SCMP)

Thời báo Hoàn cầu cho biết quyết định cấm nhập cảnh đối với 2 công dân Australia được đưa ra sau khi Australia thu hồi thị thực của 2 học giả Trung Quốc vì cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, báo nhà nước Trung Quốc không tiết lộ lý do dẫn tới lệnh cấm mới nhất.

Clive Hamilton, là giáo sư tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, Australia. Ông cũng là tác giả của các cuốn sách viết về hoạt động mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước khác. Alex Joske là chuyên gia nghiên cứu về ảnh hưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hamilton cho biết ông ngạc nhiên khi biết tin bị Trung Quốc áp lệnh cấm nhập cảnh. Cách đây 2-3 năm, ông đã từng quyết định rằng việc đi lại tới Trung Quốc là điều nguy hiểm.

“Lệnh cấm này không bất ngờ, mặc dù tôi đã nằm trong danh sách các đối tượng xấu của Bắc Kinh từ nhiều năm”, Hamilton nói với Reuters.

Hamilton cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia chỉ có thể được cải thiện khi Bắc Kinh dừng can thiệp vào công việc của Australia và tìm cách bắt nạt Canberra. Theo ông, lệnh cấm nhập cảnh lần này là đòn “trả đũa” của chính quyền Trung Quốc sau khi chính quyền Australia thu hồi thị thực của 2 học giả Trung Quốc.

Joske từng lớn lên ở Bắc Kinh. Ông chia sẻ trên Twitter rằng lệnh cấm nhập cảnh là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm “trừng phạt những người làm sáng tỏ các hoạt động” của Bắc Kinh.

“Mặc dù tôi lớn lên ở Trung Quốc và vẫn muốn quay trở lại vào giai đoạn tốt đẹp hơn, nhưng từ nhiều năm trước tôi đã quyết định rằng các hành động của chính quyền Trung Quốc khiến rủi ro từ việc đi lại tới nước này tăng cao. Tôi đã không có hoặc nộp hồ sơ xin thị thực Trung Quốc từ nhiều năm nay”, ông Joske cho biết thêm.

Thời báo Hoàn cầu mô tả Joske là người nổi tiếng với các hoạt động tuyên truyền chống Trung Quốc và bịa đặt ra các câu chuyện chống Trung Quốc.

Australia hồi đầu tháng đã thu hồi thị thực của 2 học giả Trung Quốc gồm Chen Hong và Li Jianjun, lần lượt là lãnh đạo của các Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Hoa Đông và Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh.

Thông tin trên được đưa ra giữa lúc quan hệ giữa Australia và Trung Quốc leo thang căng thẳng sau khi Canberra hồi tháng 4 kêu gọi quốc tế điều tra nguồn gốc Covid-19. Hai nước cũng căng thẳng trong các vấn đề liên quan tới luật an ninh Hong Kong và Biển Đông.

Trung Quốc hồi tháng 8 đã bắt giữ nhà báo Australia Cheng Lei với cáo buộc nữ nhà báo này "đe dọa an ninh quốc gia". Giới chức Trung Quốc cũng thẩm vấn 2 nhà báo khác của Australia, đồng thời cấm xuất nhập cảnh đối với họ. Sau các cuộc đàm phán giữa giới chức ngoại giao hai bên, hai nhà báo này được dỡ lệnh cấm xuất cảnh để trở về Australia.

Australia hồi tháng 6 đã khám xét nơi ở của 4 nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Australia. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Australia dừng ngay lập tức các hành động “phi lý”, chấm dứt hành vi “quấy rối và chèn ép” công dân Trung Quốc tại Australia.

Trung Quốc hồi tháng 5 đã áp thuế với lúa mạch nhập khẩu từ Australia, cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò hàng đầu của Australia, đồng thời cảnh báo sinh viên và khách du lịch Trung Quốc cẩn trọng khi tới Australia vì nguy cơ phân biệt chủng tộc.

Theo Thành Đạt/Dân trí