Trung Quốc đứng đầu thế giới về sức mua nhưng vẫn là nước đang phát triển

21:02 - 22/05/2020

Trong một báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới cho biết: Tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc xếp thứ 1 trên thế giới từ năm 2017 dựa trên ngang giá sức mua.

Nhưng cơ quan thống kê quốc gia khẳng định Trung Quốc vẫn ở vị thế của một nước đang phát triển, không nên được đo lường bên cạnh các nước phát triển như Mỹ.

 

Trung Quốc đứng đầu thế giới về sức mua nhưng vẫn là nước đang phát triển - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia lớn nhất thế giới khi dựa trên ngang giá sức mua. Ảnh: AFP

Cơ quan thống kê của Trung Quốc thừa nhận rằng vào đầu năm 2017, nền kinh tế của quốc gia này lớn hơn so với Mỹ khi được đo bằng sức mua, nhưng họ vẫn khẳng định mình là một quốc gia đang phát triển, vì sản lượng bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn chỉ bằng 85% trung bình toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo tương đương sức mua mới (PPP) từ năm 2017 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dựa trên PPP của Trung Quốc đứng ở mức 19,617 nghìn tỷ USD trong năm 2017, trong khi GDP của Mỹ là 19,519 nghìn tỷ USD.

Việc tính toán GDP theo sức mua, sử dụng giá của một giỏ hàng hóa và dịch vụ chung, thay vì sử dụng đồng USD, cung cấp một cơ sở chính xác hơn để so sánh mức độ phát triển kinh tế. Nếu được đo bằng đồng USD, GDP của Trung Quốc là khoảng 12 nghìn tỷ USD vào năm 2017 và 14 nghìn tỷ USD vào năm 2019, vẫn thấp hơn Mỹ.

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, xếp hạng số 1 của Trung Quốc trong GDP dựa trên PPP không thể thay đổi thực tế rằng Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới.

Xu Xianchun, cựu Phó giám đốc của NBS, cho rằng, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã đánh giá quá cao sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc được xếp vào nhóm vào các nước phát triển, thì phần lớn các quốc gia trên thế giới cũng nên được đưa vào. Điều này dường như không phù hợp với điều kiện thực tế", ông viết trong một bài báo.

Hiệp hội Thống kê Quốc gia Trung Quốc, một tổ chức liên kết với NBS, đã cung cấp dữ liệu cho Ngân hàng Thế giới, cho thấy mức độ chứng thực chính thức của điều này.

Trung Quốc khẳng định rằng, họ là một quốc gia đang phát triển và đang bị kiểm tra gắt gao trong những năm gần đây, đặc biệt là từ Tổng thống Mỹ, Donald Trump.

Tổng thống Trump đã viết, quan điểm của ông trên trang cá nhân vào tuần trước rằng, việc Trung Quốc vẫn ở vị thế một nước đang phát triển sẽ cho phép Trung Quốc đóng góp nhỏ hơn cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức đa phương khác. Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển còn được trao các quyền đặc biệt theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, như thời gian dài hơn để thực hiện các thỏa thuận và cam kết thương mại.

Nền kinh tế Trung Quốc, nếu được đo lường bằng cách sử dụng tỷ giá USD/CNY thì chỉ bằng khoảng 2/3 quy mô của nền kinh tế Mỹ năm ngoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 1,2% trong năm nay, đây là mức giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6,1% của năm ngoái bởi đại dịch virus corona. Nhưng tổ chức có trụ sở tại Washington dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ hoạt động thậm chí còn tồi tệ hơn Trung Quốc với mức sụt giảm khoảng 5,9%.

Chen Fengying, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc nói rằng, công nghệ và giá trị tiền tệ - hai yếu tố mà Mỹ vẫn chiếm ưu thế - đó chính là một phần của các thông số cốt lõi để đánh giá sức mạnh quốc gia.

Và Chen khẳng định, Trung Quốc vẫn chưa phải là một quốc gia đứng đầu trên thế giới, đặc biệt là khi so sánh với Mỹ. Chen đã đưa ra một số câu hỏi để trả lời cho vấn đề trên: “Nhân dân tệ sẽ trở thành một loại tiền tệ quốc tế sau đại dịch? Chúng ta có gì trong lĩnh vực công nghệ ngoại trừ Huawei? Chúng tôi vẫn phải chấp nhận rằng chúng tôi chưa phải là người chiến thắng trên đấu trường quốc tế.”

Thùy Dung/ Dân trí