Trung Quốc sẵn sàng phóng tàu Thiên Châu 3 lên trạm vũ trụ riêng

16:13 - 16/09/2021

Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu vũ trụ chở hàng thứ ba tới trạm vũ trụ Thiên Cung để bổ sung nguồn cung cấp mới và đưa ba phi hành gia đã ở đó gần ba tháng trở về Trái đất.

Tên lửa Trường Chinh 7 Y4 sẵn sàng phóng tàu chở hàng Thiên Châu 3 lên trạm vũ trụ Trung Quốc. Ảnh: CNSA
Tên lửa Trường Chinh 7 Y4 sẵn sàng phóng tàu chở hàng Thiên Châu 3 lên trạm vũ trụ Trung Quốc. Ảnh: CNSA

Tờ SCMP dẫn hai nguồn tin quen thuộc với chương trình không gian có người lái của Trung Quốc cho biết, tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 3 (Tianzhou-3) dự kiến được ​​phóng từ đảo Hải Nam ở phía nam Trung Quốc vào ngày 20.9.

Thiên Châu 3 dự kiến ​​cập bến trạm vũ trụ Thiên Cung trong vòng 24 giờ sau khi phóng để cung cấp nhiên liệu và vật tư cho ba phi hành gia - những người được tàu vũ trụ Thần Châu 13 đưa tới đó vào tháng 10. Bộ ba mới dự kiến ​​sẽ ở trong quỹ đạo trong sáu tháng.

Nguồn tin cho biết, việc lắp ráp và thử nghiệm tàu ​​vũ trụ và tên lửa Trường Chinh 7 Y4 tại bãi phóng Văn Xương đã diễn ra suôn sẻ.

Một nguồn tin thứ hai ở Bắc Kinh cho hay, sau khi Thiên Châu 3 cập bến, ba phi hành gia đầu tiên được cử đến trạm vũ trụ Trung Quốc Thiên Cung là Thang Hồng Ba, Nhiếp Hải Thắng và Lưu Bá Minh, sẽ trở về vào tuần tới, hạ cánh xuống bãi đáp Đông Phong mới ở khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc.

Ba phi hành gia Thang Hồng Ba, Nhiếp Hải Thắng và Lưu Bá Minh (từ trái sang) trên module lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: Xinhua
Ba phi hành gia Thang Hồng Ba, Nhiếp Hải Thắng và Lưu Bá Minh (từ trái sang) trên module lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: Xinhua

Một phi hành đoàn mới gồm ba phi hành gia sẽ được gửi đến trạm vũ trụ trên tàu vũ trụ Thần Châu 13, với ngày phóng dự kiến ​​vào khoảng 16.10, từ trung tâm phóng Tửu Tuyền, cũng ở Nội Mông.

Vào tháng 5, Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc đã công bố thử nghiệm thành công một tàu vũ trụ mới, sử dụng vật liệu nhẹ hơn 30% so với các tàu trước đó nhưng có khả năng che chắn nhiệt lớn hơn và được thiết kế để có thể tái sử dụng.

“Các phi hành gia trở về sẽ kỷ niệm Ngày Quốc khánh với chúng tôi vào 1.10 nếu mọi việc suôn sẻ” - nguồn tin cho biết.

Hao Chun, Giám đốc Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc, cũng được truyền thông đại lục trích dẫn vào tuần trước rằng ba phi hành gia sẽ quay trở lại Trái đất "trong vòng chưa đầy hai tuần", ám chỉ họ sẽ hạ cánh vào khoảng ngày 23.9.

Đến lúc đó, họ sẽ trải qua gần 100 ngày tại trạm vũ trụ. Trong sứ mệnh, Nhiếp Hải Thắng, người từng tham gia sứ mệnh không gian Thần Châu 6 và 10 vào năm 2005 và 2013, đã trở thành phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc dành hơn 100 ngày trên quỹ đạo.

Cựu phi hành gia Liên Xô Valeri Polyakov giữ kỷ lục thế giới về tổng thời gian và thời gian một chuyến du hành dài nhất, ở trên trạm vũ trụ Mir trong 437 ngày và 18 giờ trong một chuyến đi và tích lũy kinh nghiệm không gian tổng cộng 22 tháng.

Kể từ khi đến trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng 6, các phi hành gia Trung Quốc đã tiến hành hàng trăm thí nghiệm, ít nhất hai lần đi bộ ngoài không gian và trò chuyện với truyền thông, Chủ tịch Tập Cận Bình và các sinh viên từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong.

Sau vụ phóng tàu Thần Châu 13 để chở ba phi hành gia tiếp theo, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ gửi vào quỹ đạo thêm hai module nữa, tên là Vấn Thiên (Wentian) và Mộng Thiên (Mengtian), để thực hiện các thí nghiệm trong các lĩnh vực bao gồm y học vũ trụ và công nghệ sinh học. Hai tàu chở hàng và hai sứ mệnh có người lái cũng đang được lên kế hoạch để hỗ trợ trạm vũ trụ hoạt động đầy đủ.

Sau khi hoàn thành, Thiên Cung dự kiến ​​sẽ có kích thước bằng 1/4 Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), được liên minh gồm 16 quốc gia xây dựng.

Thiên Cung có thể là trạm vũ trụ duy nhất hoạt động trên quỹ đạo gần Trái đất vào cuối thập kỷ này, bởi vì ISS 15 năm tuổi đang già đi, đặc biệt là phân đoạn của Nga, module dịch vụ Zvezda. Báo động khói đã phát ra trong module này hôm 9.9 và các phi hành gia ngửi thấy mùi khét trước khi lên kế hoạch đi bộ ngoài không gian.

Các phi hành gia đã phải dành ngày càng nhiều thời gian để tìm kiếm và vá các lỗ hổng trong nhà ga và Nga đã thông báo hôm 13.9 rằng họ sẽ rời ISS vào năm 2025.

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào chương trình không gian của mình và vào tháng 5 vừa qua đã trở thành quốc gia thứ hai đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa, hai năm sau khi hạ cánh tàu vũ trụ đầu tiên ở phía xa của Mặt trăng.

SONG MINH/Báo Lao Động