Từ 1/7, phạm nhân có thể tự làm đơn xin đặc xá

16:42 - 11/07/2019

Chia sẻ về Luật Đặc xá 2018 mới có hiệu lực từ 1/7/2019, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết các phạm nhân có quyền tự làm đơn xin đặc xá.

Luật Đặc xá 2018 được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực từ 1/7/2019 với 39 điều quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.

Luật gồm 6 chương, 39 điều; so với Luật Đặc xá năm 2007 đã tăng 03 điều (trong đó bỏ 02 điều, bổ sung 05 điều), sửa đổi, bổ sung 34 điều với bố cục và nội dung cơ bản.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vấn đề này.

Phạm nhân được đặc xá tại trại giam Ninh Khánh năm 2019. (Ảnh: Trọng Phú)
Phạm nhân được đặc xá tại trại giam Ninh Khánh năm 2019. (Ảnh: Trọng Phú)

PV: Thưa luật sư, Luật Đặc xá được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Ông có thể giải thích thế nào là đặc xá?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, nhân các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Luật đặc xá mới có hiệu lực từ 1/7/2019, có quy định về việc Chủ tịch nước xem xét quyết định về đặc xá trong sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn và xem xét đặc xá trong trường hợp đặc biệt để phục vụ các mục đích đối nội và đối ngoại của đất nước.

PV: Để đặc xá, người chấp hành án phạt tù phải đạt những điều kiện nào?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Bản chất hình phạt mang tính răn đe và tính giáo dục. Người đang chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá, nhưng khi được đề nghị thì họ phải đáp ứng một số điều kiện. Ví dụ như có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt. Được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật; hoặc đã chấp hành án phạt tù một thời gian, ít nhất là 1/3 thời gian đối với án tù có thời hạn; đã chấp hành ít nhất 14 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống án phạt tù có thời hạn.

Tùy theo từng trường hợp được xem xét, chứ không phải trường hợp nào cũng được đặc xá. Khi được đặc xá, phải đảm bảo không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn của xã hội. Một số trường hợp cụ thể khác do Chủ tịch nước quyết định.

PV: Có khi nào người phạm tội đáp ứng đủ điều kiện nhưng lại không được đặc xá hay không?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Luật đặc xá cũng quy định một số trường hợp đủ điều kiện nhưng không được đặc xá, nếu họ thuộc một số trường hợp sau đây: Người bị kết án phạt tù vì tội phản quốc, tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, khủng bố, chống chính quyền nhân dân...

Như vậy, chúng ta quan tâm và xử lý rất nghiêm khắc với những người có hành vi chống Nhà nước XHCN Việt Nam. Hoặc trường hợp bản án của người đó đang được kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm theo hướng tăng nặng, hoặc trước đó đã được đặc xá. Như vậy, không phải tất cả những người đủ điều kiện sẽ được đặc xá.

PV: Thủ tục đề nghị đặc xá của người bị kết án tù là như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Căn cứ về các điều kiện được đặc xá mà tôi vừa nói, phạm nhân có thể làm đơn đề nghị đặc xá. Có thể thấy rằng Luật đặc xá 2018 nới rộng phạm vi hơn luật đặc xá 2007, trong đó cho phép phạm nhân có quyền tự làm đơn xin đặc xá.

Kèm theo đơn đề nghị đặc xá là hồ sơ đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật. Cán bộ trong trại giam có trách nhiệm hướng dẫn phạm nhân làm đơn xin đặc xá và các giấy tờ chứng minh. Chứng minh về cá nhân, về điều kiện hoàn cảnh gia đình, tài liệu chứng minh đã chấp hành hình phạt bổ sung; bản cam kết không vi phạm pháp luật...

Tôi cho rằng không chỉ bản thân những người đang chấp hành án phạt tù mà vai trò của người thân cũng rất quan trọng. Lúc đó, họ phải phối hợp với người đang chấp hành án trong trại giam, để có một bộ hồ sơ đầy đủ, để phạm nhân được xét duyệt hồ sơ xin giảm án.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Thu Trang/VOV