Từ đoạn văn học thuộc lòng của cô bé lớp 2 đến tiến sĩ đạo văn

08:00 - 18/05/2021

Ôn thi cuối năm, cô học trò lớp 2 được yêu cầu học thuộc lòng bài văn tả con thỏ cùng 2 đoạn văn mẫu để khi thi chỉ cần chép lại. Rồi, một cuốn sách bị thu hồi vì có bài viết của tiến sĩ "đạo văn"...

Chị Trần Thu Phương, sống ở thành phố Thủ Đức, TP.HCM kể, chị nặng trĩu lòng khi cách đây vài hôm, con chị ôn thi học kỳ, cháu phải học thuộc lòng đoạn văn mẫu tả nhà em có nuôi một con thỏ và thêm hai đoạn văn mẫu khác để hôm kiểm tra, các con chỉ việc chép vào.

Chị vẫn không hiểu nổi thời đại này mà vẫn còn kiểu dạy học theo kiểu như vậy. Chị hỏi thăm thì được biết không chỉ ở lớp con mình mà ở rất nhiều lớp, nhiều trường vẫn theo kiểu học thuộc bài mẫu để thi như trên. 

Cô giáo đã yêu cầu như vậy, dù chị nói thế nào cũng không thể ngăn nổi con làm theo lời cô. Con gái chị đã biết làm thơ lúc 5 tuổi, thích đọc sách từ bé, văn phong trôi chảy mà lại phải học thuộc lòng đoạn văn mẫu để làm bài kiểm tra. 

 

Từ đoạn văn học thuộc lòng của cô bé lớp 2 đến tiến sĩ đạo văn - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Trẻ chép, học thuộc bài văn mẫu để thi vẫn là một hiện tượng phổ biến (Ảnh minh họa)

Một đoạn văn đã đành, điều người mẹ lo lắng hơn là việc đó tiêm nhiễm vào đầu con về hành vi giả dối, bình thường việc dùng cái của người khác thành của mình. 

Mới đây, cuốn sách "Báo chí và Truyền thông: Những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại" của ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM phải thu hồi vì một bài viết đứng tên tác giả là TS Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân được bê từ bài của một giáo sư người Úc. 

Nghe lý giải của TS Hoàng Xuân Phương, trước đây là Trưởng bộ môn Truyền thông Ứng dụng - Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV TPHCM, lúc này đang là Phó khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, ĐH Văn Lang nhiều người sẽ phải sửng sốt: Tác giả Vũ Mộng Lân dịch mà không xin phép, sau đó nhờ bà đứng tên chung vì nghĩ rằng như vậy dễ được đăng. 

Học trò nhỏ ngày đầu bập bẹ làm văn được phép học thuộc văn mẫu để làm bài thi đứng tên mình; người đến học vị Tiến sĩ, là phó khoa còn thản nhiên lấy bài của người khác hay đứng tên vào bài của người khác. Phải nói việc "ăn cắp" là một dạng... học thuật đang được nhiều người sử dụng, có thể ở tâm thế bị động hoặc chủ động. 

TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen từng chia sẻ về trường hợp một nữ sinh viên ưu tú ở Việt Nam được cử đi học ở nước ngoài trong chương trình hợp tác giáo dục. 

Vừa qua nước bạn, bài luận đầu tiên của cô sinh viên được đánh giá rất tốt, rất hay nhưng bị nhận ngay điểm 1 với lời nhắc nhở lẽ ra cô phải nhận điểm 0 và phải nhận kỷ luật rất nặng. Lý do là trong bài luận của mình, cô sinh viên sử dụng, sao chép nguyên văn từ nhiều nguồn tài liệu nhưng không ghi trích dẫn.

Cô sinh viên không nghĩ đó là đạo văn. Ngày nhỏ đi học, cô giáo luôn làm sẵn những bài văn mẫu, yêu cầu học thuộc, đến ngày thi chỉ việc chép lại. Các em chép lại ý tưởng, câu văn mà không cần trích dẫn, không biết đó là hành vi đạo văn.

 

Từ đoạn văn học thuộc lòng của cô bé lớp 2 đến tiến sĩ đạo văn - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Cuốn sách bị thu hồi vì có bài viết của tiến sĩ "đạo" từ nước ngoài 

Học trò được dạy "ăn cắp" từ bé, năng lực mỗi người không được phát triển, chúng ta có những con người "giả". Ngoài ra, theo TS Bùi Trân Phượng, nền giáo dục của chúng ta đang phải tự đóng cửa, không thể hợp tác với nền giáo dục hội nhập, tiên tiến vì thiếu đi yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục là tính trung thực. 

Hạn chế, điểm yếu của mỗi con người không ở hạn chế, yếu kém mà là ở chỗ không nhận ra sự yếu kém, hạn chế của bản thân khắc phục, để phát huy thế mạnh khác. Khi đưa cái của người khác thành cái của mình, chúng ta không những không nhận ra sự yếu kém của bản thân mà đi cùng đó còn là sự ảo tưởng và giả dối.

Sự giả dối tồn tại còn là sự chà đạp lên những khát vọng, lý tưởng của những người theo đuổi học thật, thi thật, làm thật với năng lực của mình. 

Làm việc với Bộ GDĐT mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã "điểm huyệt" của thực trạng này khi đặt ra yêu cầu "Học thật, thi thật, nhân tài thật". 

Để làm được điều này, cần rất nhiều việc phải làm từ đánh giá, xếp loại, thi cử cho đến chính sách, cơ chế, việc sử dụng nhân tài... Nhưng trước khi chờ bất cứ điều gì thì phải bắt đầu từ mỗi người, từ người học, người thầy, từ mỗi ông bố bà mẹ, từ tôi đến bạn... phải dám nói không với học giả, thi giả, làm giả.

Hoài Nam/ Dân trí