Tỷ giá biến động mạnh, doanh nghiệp ứng phó thế nào?

19:32 - 03/07/2018

Chốt phiên 3/7, tỷ giá VND/USD tại nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trong khi Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá bán USD để can thiệp thị trường.

Hôm nay (3/7), tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.635 VND/USD, không đổi so với hôm qua. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.314 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.956 VND/USD.

Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh giá bán USD

Tuy nhiên, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước hôm nay đã được điều chỉnh giảm giá bán ra còn 23.050 đồng/USD, giảm mất 244 đồng/USD, từ mức 23.294 đồng/USD của hôm qua. Động thái này đúng như thông điệp mà đại diện NHNN phát đi hôm qua trước bối cảnh tỷ giá tăng mạnh và nhiều lo ngại tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là xuất nhập khẩu và lạm phát.

Cụ thể, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho hay, "NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô".

Chốt phiên chiều nay, tỷ giá tại nhiều ngân hàng thương mại có sự điều chỉnh nhẹ. Trong đó, Vietcombank tăng nhẹ giá USD so với đầu phiên sáng, niêm yết giá giao dịch mua - bán ở mức 23.000-23.070 đồng/USD, tăng 10 đồng; VietinBank cũng tăng 5 đồng và niêm yết giá ngang giá tại Vietcombank; BIDV tăng 20 đồng, đưa giá USD lên mức 23.010-23.080 đồng/USD; Techcombank 22.970-23.095 đồng/USD, tăng 40 đồng mua vào, tăng 45 đồng bán ra.

Biến động tỷ giá là rủi ro doanh nghiệp ít chuẩn bị để đối phó nhất?

Liên quan đến tác động của tỷ giá đối với hoạt động kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp, theo khảo sát mới nhất do HSBC và FT Remark thực hiện cho thấy, biến động tỷ giá là rủi ro doanh nghiệp ít chuẩn bị nhất.

Cụ thể, kết quả một khảo sát toàn cầu được thực hiện với 200 giám đốc tài chính và gần 300 chuyên viên quản lý nguồn vốn, một bộ phận lớn các Giám đốc Tài chính (CFO) của các công ty lớn cho rằng công ty của họ phải đối mặt với lợi nhuận giảm trong hai năm vừa qua do ảnh hưởng từ các rủi ro có thể tránh được liên quan phòng ngừa và kiểm soát rủi ro khi tỉ giá biến động. 

Đáng chú ý nữa, hơn một nửa các CFO tin rằng rủi ro biến động tỉ giá là loại rủi ro mà doanh nghiệp của họ ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất. Những quan ngại này phản ánh mức độ biến động ngày càng tăng của các loại tiền tệ trong bối cảnh triển vọng về địa chính trị và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.

Môi trường lãi suất thay đổi tại nhiều quốc gia cũng tác động lên lợi nhuận của doanh nghiệp với 60% các CFO cho rằng công ty của họ bị ảnh hưởng, và 70% các CFO tại châu Mỹ cho rằng công ty của họ bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, gần một nửa các CFO cho biết rủi ro lãi suất là loại rủi ro họ có thể kiểm soát tốt. 

“Khảo sát này cho thấy việc các doanh nghiệp có sẵn một cơ cấu kiểm soát rủi ro hiệu quả là hết sức quan trọng khi mà việc thiếu chuẩn bị có thể mang lại các rủi ro về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh sự bất ổn ngày càng tăng trên thế giới,” Frederic Boillereau, Giám đốc Toàn cầu Khối Kinh doanh Ngoại hối và Hàng hóa kiêm Giám đốc Toàn cầu Khối các dịch vụ ngoại hối và quan hệ khách hàng tại HSBC, cho biết.

Theo kết quả khảo sát, trong bối cảnh các CFO phát hiện ra vai trò của họ đang thay đổi và họ dần trở thành một đối tác của Tổng Giám đốc (CEO) của công ty họ, họ tăng cường kêu gọi các lãnh đạo của bộ phận quản lý nguồn vốn chủ động đưa ra những hỗ trợ chiến lược hơn cho doanh nghiệp.

Nhưng trong khi 73% các CFO cho rằng vai trò quản lý rủi ro của các chuyên viên quản lý nguồn vốn trong công ty ngày càng tăng, 57% không hoàn toàn tin tưởng rằng các chuyên viên quản lý nguồn vốn của họ có những kỹ năng cần thiết để đảm nhận vai trò mới này. Công việc này ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với các nhà quản lý nguồn vốn do nhu cầu kiểm soát những thách thức mới, với 53% cho rằng những thay đổi về tỉ giá sẽ có ảnh hưởng thực tế lên chiến lược quản lý rủi ro của họ trong vòng 3 năm tới. 

Trong khi 57% các chuyên viên quản lý nguồn vốn muốn tăng cường chuyên môn quản lý rủi ro trong bộ phận của họ, chỉ có khoảng 32% các CFO tăng cường nguồn lực cho các chuyên viên của họ trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên, điều lạc quan là nhu cầu của họ dường như được lắng nghe với 2/3 các CFO kỳ vọng cung cấp thêm nhiều nguồn lực hơn cho các chuyên viên của mình trong vòng hai năm tới. 

Số hóa trong lĩnh vực quản lý nguồn vốn và ngoại hối được cho là một xu hướng mới giúp các doanh nghiệp đưa ra được các chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả. Kết quả khảo sát cho thấy 59% các chuyên viên quản lý nguồn vốn cho rằng số hóa được kỳ vọng có tác động đáng kể lên chiến lược quản lý rủi ro trong ba năm tới và 57% cho rằng số hóa là lĩnh vực họ mong muốn trang bị cho bộ phận của họ nhằm nâng cao năng lực.

“Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thực hiện các nguyện vọng quản lý rủi ro hiệu quả thông qua việc cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro tích hợp; phát triển các công cụ kỹ thuật số mới; và cung cấp thông tin chiến lược chuyên sâu được hỗ trợ bởi các thông tin kiến thức sẵn có trên toàn cầu và tại thị trường trong nước,” Rahul Badhwar, Giám đốc Toàn cầu Khối Dịch vụ Ngoại hối và quan hệ khách hàng, phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp tại HSBC cho biết.

Hà Trần/VOV.VN